Hồi ký của Vương Gia Lương
Hồi 1: Sấm Quan Đông
Vương Gia Lương
người huyện Hoàng - Sơn Đông, sinh năm 1933, sở trường về bố cục “Trung Pháo
Quá Hà Xe”, kỳ phong dũng mãnh, thích công sát, được người đời gọi là “Đông Bắc
Hổ”. Vào các năm 1956, 1957, 1959 ông đoạt danh hiệu Á quân toàn Trung quốc, về
sau đến năm 1981 ông lại lần thứ 7 tiến tiến vào hàng 6 vị quốc thủ hàng đầu.
Năm 1982, ông được tấn phong “Tượng Kỳ Đại Sư”, năm 1984 ông được phong “Tượng
Kỳ Đặc Cấp Đại Sư”. Từ năm 1979 ông làm chủ biên tạp chí “Bắc Phương Kỳ Nghệ”
(Nay là tạp chí “kỳ nghệ”), năm 1985 ông là phó viện trưởng của Kỳ Viện Hắc
Long Giang.
Ông là người Sơn đông,
vì sao lại chyển tới Đông Bắc sinh sống?
Mọi thứ phải bắt đầu từ phụ thân của tôi, quê nhà của ông là
huyện Hoàng - Sơn Đông, ông nội tôi là một giáo viên nghèo. Quê tôi đất chật
người đông, cuộc sống trong gia đình gặp muôn vàn khó khăn. Vì gánh nặng mưu
sinh, bố và chú tôi đã rời bỏ quê hương, đến Đông Bắc sinh sống, chính là đến
vùng Sấm Quan Đông. Có thể nói khi bố tới Cáp Nhĩ Tân trong tay chẳng có gì,
cùng với chú hai người học nghề ở một cửa hàng đồ dùng gia đình, miễn cưỡng ăn
bợ người ta. Bố học nghề ở đó được 5, 6 năm, năm 1932 Cáp Nhĩ Tân bị một trận
lũ lụt, bố liền quay trở về Sơn Đông, chú tôi một mình lưu lại Cáp Nhĩ Tân.
Năm 1933 sau khi tôi ra đời, cuộc sống trong gia đình ngày
càng khó khăn, không còn cách nào khác, bố lại một mình tới Đông Bắc. Mẹ tôi ở
cùng bốn người chị em, nhà dì hai của tôi ở Hắc Hà, lần này bố không đi Cáp Nhĩ
Tân mà đi tới nhà dì. Bố có biết chút tiếng nga nên thường cùng dì đi buôn bán ở
biên giới với người Nga. Ngược xuôi 3 năm ở biên giới nhưng vẫn không kiếm được
tiền, bố cũng không biết tiếp tục phải làm thế nào.
Chồng của dì sống ở huyện Tôn Ngô có một căn phòng trống, và
cho bố mượn để mượn để mở một cửa hàng tạp hoá. Ngày đó Đông Bắc rất nhiều rừng,
dựa vào rừng mà sống, cửa hàng tạp hoá của bố bán gỗ và các sản phẩm của rừng
núi. Dần dần cuộc sống của bố đã ổn định trở lại. Và một ngày, mẹ đưa tôi khi ấy
tôi mới bốn tuổi tới huyện Tôn Ngô.
Lần đầu học cờ
Ông học cờ như thế
nào?
Bố vô cùng thích chơi cờ, thường đánh quải giác mã. Lúc đó ở
huyện Tôn Ngô cờ tướng rất thịnh hành, trong huyện bố có thể xếp hàng đệ tam,
so với hai người trên mình trình độ cũng không kém là bao. Trong huyện có một
chợ nhỏ rất phồn hoa, náo nhiệt, ở trước một cửa hàng sách thường bày một bàn cờ,
chỉ cần trời không mưa, mỗi ngày ở đó đều rất đông người vây lấy chơi. Bố thường
hay tới đó chơi cờ, tới giờ ăn cơm cũng không về, mẹ làm xong cơm thường bảo
tôi đi gọi bố. Và lần nào cũng vậy, bố luôn bắt tôi phải đợi, ngồi bên cạnh ông
xem ông chơi cờ, dần dần tôi cũng biết chơi, sau đó thỉnh thoảng cũng chơi một
hai ván. Nhưng, ngày ấy còn bé, có rất nhiều trò chơi, cờ tướng chưa thực sự cuốn
hút tôi.
Bố qua đời
Khi tôi mười tuổi, tình hình Đông Bắc vô cùng khẩn cấp, do tại
Đông Nam Á các nước lần lượt bại trận, Nhật Bản vô cùng muốn chiếm Đông Bắc. Bố
trong một lần diễn tập phòng không đã quên không tắt đèn, kết quả bị quan quân
Nhật bắt đi, giam mười mấy ngày trong thuỷ lao. Khi được thả ra thì mắc bệnh
phù thủng, hơn nửa năm sau thì qua đời. Bố qua đời không được bao lâu thì hồng
quân Liên Xô tiến vào Đông Bắc. Huyện Tôn Ngô có một con sông, đã chia nó thành
Nam, Bắc Tôn Ngô. Một lần hàng nghìn hồng quân Liên Xô trúng phải mai phục của
quân Nhật, chết vài trăm người, nhưng nhờ có đại quân phía sau tiến lên, quân
mai phục của Nhật không chống đỡ nổi, phải rút lui về Nam Tôn Ngô, rút tới bờ
sông thì cầu bị gãy, vài nghìn quân Nhật xác phơi đầy sông. Hồng quân do trúng
phải mai phục, bèn trút giận lên người Trung quốc, bọn họ bắt hết con gái và trẻ
con trong huyện, sau này tôi chỉ biết có hai người chạy trở về. Trong núi của
nam Tôn Ngô có một công sự rất lớn của quân đội, là nơi tạm trú của vài chục vạn
quân Nhật. Hồng quân Liên Xô không có cách gì đẩy lui. Và cứ như thế Nam, Bắc
giằng co. Nhưng tiếp tục không được bao lâu thì Thiên Hoàng Nhật Bản đã tuyên bố
đầu hàng vô điều kiện. Tôi còn nhớ rất rõ hình ảnh rất nhiều người Trung Quốc đứng
xem một viên tướng Nhật bị treo cổ.
Dù chiến tranh đã qua đi, nhưng cuộc sống vẫn vô cùng khó
khăn. Bố qua đời, mọi thứ bị chiến tranh tàn phá, trường học bị san thành bình
địa. Mẹ đành phải cầm cố cửa hàng, đưa tôi rời khỏi nơi này, và đến nhà chú ở
Cáp Nhĩ Tân,
Bắt đầu sinh sống bằng
nghiệp cờ
Lúc đầu bố và chú cùng nhau tới Cáp Nhĩ Tân học nghề, khi bố
quay về Sơn Đông, một mình chú lưu lại nơi đây, qua nhiều năm vất vả kiếm sống,
chú cũng đã mở được một cửa hàng nhỏ. Sau khi đến Cáp Nhĩ Tân, mẹ định cho tôi
tiếp tục học hành, không ngờ được rằng đến lúc này tôi đã say mê cờ tướng.
Ngày ấy ở Cáp Nhĩ Tân có một người họ Điền, là một trong ngũ
hổ tướng, đã cùng tôi chơi một ván cờ nhượng song mã, kết quả ván đó hoà. Cũng
nhờ ván đó Họ Điền mến tôi, đã chỉ và đưa tôi tới một nơi, nơi đó ngũ hổ tướng
thường hay chơi cờ. Và từ đây, ngày ngày tôi bám trụ nơi này, học hỏi được
không ít. Nhưng người thật sự ảnh hưởng đến tương lai của tôi chính là thầy dạy
lớp vỡ lòng Kim Khải. Tôi gặp Kim tiên sinh cũng ở nơi đó, lúc ấy Kim tiên sinh
đang là một trong ngũ hổ tướng, tính tình hiền hoà. Thấy tôi không hiểu khai cục
và tàn cục, tiên sinh đã đưa tôi về nhà, đưa các cổ phổ “Quất Trung Bí”, “Mai
Hoa Phổ”, “Thích Tình Nhã Thú” mà tiên sinh sưu tầm được đưa cho tôi đọc. Tôi
như bắt được vàng, ngày ngày lao vào nghiên cứu, và có lẽ sự nghiệp học hành của
tôi đã bị bỏ dở từ đây.
Mời bạn theo dõi tiếp hồi 2 tại link: Hồi Ký Vương Gia Lương Hồi 2