Sách Cờ Tượng Kỳ Trung Phong Vương Gia Lương

Tượng Kỳ Trung Phong là cuốn sách cờ đã giúp biết bao kỳ thủ tăng tiến kỳ lực, cuốn sách nằm trong bộ sách cờ tướng Tượng Kỳ Tiền Phong, Tượng Kỳ Trung Phong, Tượng Kỳ Hậu Vệ của danh kỳ Vương Gia Lương.


"TƯỢNG KỲ TRUNG PHONG" MỘT KỲ THƯ CÒN ĐẦY BÍ MẬT!

Hồi thập niên 60, làng cờ TP bỗng xôn xao về một tài liệu cờ rất quí được phổ biến hạn chế trong một số cao thủ. Tài liệu được đánh máy chỉ dẫn cách chơi Thuận Pháo, chủ yếu là chiến lược hoành Xa phá trực Xa, không có tựa và cũng không có tên tác giả. Lê Thiên Vị có một bản tự đặt tên là “Kim cương chỉ lực", anh em làng cờ thi nhau mượn chép, học tập để nâng cao "công lực".

Ban đầu người ta cũng không rõ tài liệu này xuất phát từ đâu, sau hỏi mãi mới biết nó xuất phát từ một quyển "kỳ thư" của Phạm Tấn Hòa. Lúc đó trong làng cờ đang hâm mộ đọc sách của Vương Gia Lương, khen các quyển Tượng kỳ tiên phong và Tượng kỳ hậu vệ, còn quyển Tượng kỳ trung phong chỉ thấy quảng cáo chứ chưa thấy sách. Vì vậy nhiều người đặt dấu hỏi: phải chăng tài liệu được phổ biến được sao chép từ "Tượng kỳ trung phong"?

Tìm đến Phạm Tấn Hòa để rõ thực hư thì mới hay: Sách mất bìa, không có lời tựa hay lời giới thiệu; in tại đâu, năm nào và ai là tác giả cũng không rõ. Hỏi nguồn gốc mới biết năm 1963 Lý Chí Hải, kỳ vương Đông Nam Á vào thăm và thi đấu với các cao thủ của TP lần thứ hai đã mang vào. Cảm tấm thạnh tình của ông Hội trưởng Hội Cờ lúc đó là ông Nguyễn Văn Anh đối xử với mình nên khi về, Lý Chí Hải đã tặng cuốn sách này. Vì là sách in tại Trung Quốc nên sợ chính quyền Sài Gòn lúc đó làm khó dễ, Lý Chí Hải xé bỏ bìa, lời tựa, tên tác giả, rồi tháo rời tất cả ra để lót va-li. Không rõ khi tặng, Lý Chi Hải có nói tên sách, tên tác giả không, nhưng lúc đóng lại thì sách mang bìa giả và không ghi gì. Ông Hội trưởng sau đó đã tặng quyển sách này cho Phạm Tấn Hòa, rồi từ đó sách được phố biến bằng cách sao chép như vậy. Bí mật vẫn bao trùm quyển sách này từ khi xuất hiện cho đến tận năm 1985 khi Hội Cờ TP được thành lập lại.

Lúc này, Hội Cờ sưu tập tài liệu, sách báo và hình thành tiểu ban nghiên cứu, mới phát hiện ra một bài phân tích của Vương Gia Lương về ván đấu với Mạnh Lập quốc ngày 5-10-1962. Bài phân tích này có đoạn khen Mạnh Lập Quốc sáng tạo một phương án mới và nói nếu Mạnh chơi theo kiểu cũ thì sẽ kém phân. Vương Gia Lương dẫn cụ thể phương án cũ một số nước đi rồi viết:"Muốn hiểu rõ biến hóa thế nào thì xin đọc Tượng kỳ trung phong từ cuộc 12 đến cuộc 14". Đem quyển kỳ thư kia ra kiểm tra thì hoàn toàn đúng như Vương Gia Lương chỉ dẫn. Như vậy bây giờ đã rõ, sự dự đoán của anh em trong làng cờ kéo dài 20 năm, đã được xác minh, khẳng định. Đấy chính là quyển Tượng kỳ trung phong của Vương Gia Lương.

Trong khi mọi người đang hớn hở vì tìm ra "chân lý" thì có biết đâu ngay tại chính làng cờ ở Trung Quốc lại bị một hỏa mù bốc lên phủ lấy tác phẩm này mấy chục năm qua. Mãi đến tận ngày nay, các vấn đề cũng chưa sáng tỏ!

Sự việc như thế này:

Sau khi quyển Tượng kỳ trung phong ra đời được một thời gian thì bỗng trong làng cờ Trung Quốc người ta chuyền tay nhau đọc say sưa một quyển sách cờ có tựa là: Du hí đại toàn (gọi tắt là Du phổ). Đó là cuối năm 1962. Trong lời nói đầu, những người biên tập viết: "Đây là một quyển sách cờ ra đời trên dưới 600 năm do cố danh kỳ Vương Hạo Nhiên phát hiện, chỉnh lý và lưu giữ. (Vương Hạo Nhiên sống từ cuối thế kỷ 19 đến khoảng giữa thế kỷ 20, nổi tiếng cao cờ từ năm 1917, cùng Châu Hoán Văn, Trương Cẩm Vinh được tôn là "Dương Châu tam kiệt" - ND). Tác giả của Du phổ là Sơn dã cư sĩ thuộc dòng dõi của danh thần nước Tống là Khấu Chuẩn, đã viết cuốn cờ này khoảng cuối đời nhà Nguyên (1341-1367). Viết xong, đem tặng cho bạn là đạo sĩ Nhất Tùng. Đến đầu thời nhà Minh (1383) Nhất Tùng chỉnh lý, bổ sung rồi in ra 100 bản tặng lại cho bạn bè, từ đó lưu truyền đến nay".

Theo mô tả thì Du phổ có 8 tập gồm 237 ván cờ bàn và 200 ván cờ thế, trình bày như kinh Phật, khổ 18,5 x 26 cm gần giống như Quất trung bí loại cổ bản. Nói chung, qua lời nói đầu này những người biên tập trình bày, mô tả ti mỉ nhiều chi tiết để khẳng định đây là một tài liệu cổ thật sự và bác bỏ mọi nghi vấn có thể nêu ra. Đầu năm 1963, tạp chí Tượng kỳ nguyệt san ở Quảng Châu đem Du phố giới thiệu liên tiếp trong các số từ 4 đến 7 cho bạn đọc xa gần đều biết. Tất cả những việc này gây chấn động trong làng cờ Trung Quốc lúc bấy giờ. Vì đối với nhiều nhà nghiên cứu, việc phát hiện một tài liệu cổ cách đây trên 600 năm là một việc bất ngờ, mà nếu đúng thật thì rất đáng mừng rất đáng trân trọng. Còn đối với các tay cờ thì một dấu hỏi lớn đặt ra: Vì sao nhiều ván Thuận Pháo hoành Xa phá trực Xa giống y quyển Tượng kỳ trung phong của Vương Gia Lương? Và nếu đây là sự thật thì rõ ràng Vương Gia Lương đã sao chép "sách cổ" mà thôi! Một hỏa mù được tung ra từ đó, không ai biết "chân, giả" ra sao.

Vì thiếu thông tin, ở đây không ai rõ lúc đó Vương Gia Lương phản ứng như thế nào. Mãi sau này đọc được một bài viết đăng trong Bắc phương kỳ nghệ số tháng 6 năm 1981, chúng tôi mới thấy có bài của Bắc Lâm nêu trở lại "Chân tướng của Du Hí đại toàn". Chúng tôi dự đoán Bắc Lâm chính là Lý Đức Lâm, người cùng hợp tác với Vương Gia Lương biên soạn và xuất bản các quyến "Tiền phong - Hậu vệ và Trung phong".

Bắc Lâm đã viết như thế nào? Tất cả nội dung trên chúng tôi biết được đều từ bài viết này. Nhưng Bắc Lâm tế nhị khi nhắc đến họ người biên tập là họ Châu và họ Vương mà không nêu rõ tên để phê phán. Ông nhắc lại hồi năm 1963 khi Tượng kỳ nguyệt san giới thiệu Du phổ thì làng cờ xôn xao, nửa tin nửa ngờ và nổi lên nhiều cuộc tranh luận trong làng cờ. Đa số không tin vì đi sâu nghiên cứu nội dung thấy có nhiều vấn đề đặt ra để khẳng định Du phổ do Châu, Vương biên tập là nguy tạo chứ không phải cổ phổ như trong lời nói đầu giới thiệu. Có ba lý do:

1- Trong Du phổ có 20 ván hoàn toàn giống với 20 ván Thuận Pháo in trong Tượng kỳ binh pháp xuất bản tại Hông Kông hồi tháng 11-54. Có lý nào một người cao cờ và biên soạn, trước tác sách có tiếng (muốn ám chỉ Lý Chí Hải) mà lại đem một cuốn sách cổ giá trị rất lớn làm thành tập sách nhỏ như vậy sao?

2- Nếu quả thật cố danh thủ Trấn Giang Vương Hao Nhiên có "Tàng bản Du phổ" thì hẳn nhiên hồi còn sống ông phải đọc kỹ và trong thi đấu ông sẽ vận dụng kiểu chơi này. Thế nhưng xem kỹ những ván cờ còn lưu lại của ông thì không thấy ông đã tiếp thu kinh nghiệm gì của quyển cổ phổ này.

3- Thời kỳ cuối của nhà Nguyên, sách vở, văn phong và phương pháp ghi chép lúc đó khác xa với phương pháp ngày nay. Ấy vậy mà nội dung, phương pháp của Du phổ rất giống ngày nay. Có thể nào như vậy được chăng?

Sau đó Bắc Lâm còn tường thuật rằng ngay từ tháng 8 năm 1964 ông đã đi nhiều nơi để điều tra, xác minh và cố tìm cho ra "tàng bản" nguyên bản. Thậm chí tìm gặp cả Trần Tùng Thuận, lúc đó là phó tổng biên tập của Tượng kỳ nguyệt san để thẩm tra, làm rõ sự thật. Thế nhưng các nhà biên tập lờ đi về yêu cầu cho xem nguyên bản và những người liên hệ dính dáng đến việc giới thiệu Du phổ không có người nào thấy tận mắt chính bản của nó.

Cuối cùng bài viết kết luận: "Đây là một vụ làm nhiễu loạn lịch sử cờ, dễ dàng cùng nói láo với nhau, gầy tác động tiêu cực cho lớp người sau vì ngộ nhận. Mặt khác cần thấy trong công tác khảo chứng chỉnh lý sách cổ, chúng ta cần nghiêm túc tôn trọng sự thật..."

Đó là ý kiến của Bắc Lâm, tiêu biểu cho nhóm "Hắc Long Giang" hay đúng hơn là nhóm biên soạn Tượng kỳ trung phong. Còn đối với những nhà nghiên cứu khác thì thận trọng hơn, không vội bày tỏ ý kiến. Đồ Cảnh Minh viết quyển Trung Quốc tượng kỳ từ điển đã nêu tên quyển Du hí đại toàn và xếp trên cả Mộng nhập thần cơ nhưng cuối cùng có nói: Chân giả hãy chờ khảo chứng thêm một bước.
Có thể quyển Tượng kỳ trung phong có mối "liên quan" sao đó với quyển Du phổ, Hội Cờ TP không đi sâu tìm hiểu mà chủ yếu nghiên cứu nội dung để đánh giá nhận định giá trị thực của nó.

Qua nghiên cứu, có thể khẳng định rằng: Tượng kỳ trung phong là một bước phát triển, nâng cao hơn nữa trình độ chơi Thuận Pháo của Quất trung bí chủ yếu là "Chiến lược hoành Xa phá trực Xa" hoặc nói khác hơn: Tượng kỳ trung phong đã tổng kết có hệ thống và rất phong phú thế trận Thuận Pháo hoành Xa phá trực Xa. Công lớn của nhóm biên soạn này là phân tích khá sâu nhiều phương án, nước biến và cũng xây dựng nhiêu đòn phối hợp kết thúc đẹp mắt. Sách rất phù hợp và hấp dẫn đối với những người mới học chơi, nhất là những người chưa có khái niệm rõ về chiến lược, chiến thuật sẽ mau tiếp thu các khái niệm này bằng những bài học cụ thể, sinh động.

Sách gồm 12 chương, với 72 cuộc (bắt chước như "Thất nhập nhị huyền công" của Tề Thiên Đại Thánh). Chúng tôi hệ thống thành 32 ván chính và nằm gọn trong 8 phương án, đồng thời bổ sung thêm 2 phương án mới với 8 ván chính được rút ra từ thực tiễn đưa vào. Những ván phụ hoặc nước biến quan trọng đều được ghi trong "chú giải" để các bạn nghiên cứu sâu thêm. Như vậy bản thân Tượng kỳ trung phong cũng còn thiếu sót và nhiều mặt hạn chế, tương tự như Quất trung bí. Vì tác giả thiên lệch cho bên đi tiên chơi nhiều nước chính xác còn cho bên hậu đi nhiều nước thụ động hay sai lầm. Sau này xem phần cách chơi "hiện đại" các bạn sẽ thấy những nước đi không đúng trong sách của Vương Gia Lương.

(nguồn: Thuận Pháo hiện đại và cổ điển)


Bạn đang xem bài viết Có tiêu đề : Sách Cờ Tượng Kỳ Trung Phong Vương Gia Lương. Khi coppy bài viết xin ghi rõ Nguồn : https://danhthucotuong.blogspot.com/2023/09/sach-co-tuong-ky-trung-phong-vuong-gia-luong.html?m=1. Xin Cảm ơn!