Diệt tuyệt sư thái Lê Thị Hương



Khoảng thập niên 80, làng cờ TP.HCM bỗng nổi lên một nữ kỳ thủ chẳng màng gia đình, chồng con, chỉ mê đánh co tuong độ, đánh đâu thắng đó. Vì coi thường “bóng hồng” lẻ loi mà không biết bao kẻ trượng phu đã phải thất cơ. Cảm phục tài năng, “nhất sát” Lê Thiên Vị đã gọi cô là “Diệt tuyệt sư thái”. Cô là Lê Thị Hương, hiện là tuyển thủ Hội cờ TP.

Diện kiến 

Theo lời giới thiệu của một đạo diễn rất mê cờ, rằng “nói đến kỳ nhân vỉa hè, phải tới được cỡ Diệt tuyệt sư thái, bà này sáng sáng xách giỏ đi chợ, kiếm tiền đánh độ về nuôi chồng con...”. Chúng tôi đã tới khu Phạm Ngũ Lão – Nguyễn Thái Sơn, Q.Gò Vấp, nơi sư thái vẫn hay “hành hiệp” ở các quán cà phê nhưng không thấy. Hỏi ra, mới biết cô đã chuyển nhà về dưới Q.1, chẳng biết ở đâu...
Phải hỏi đến hội cờ, mới biết nhà Lê Thị Hương hiện ở đường Trần Quang Khải. Mới đến đầu ngõ, hỏi nhà “chị Hương đánh cờ” thì hàng xóm ai cũng biết. Nhà sư thái tối om, cũ kỹ, trong nhà dựng xe máy nhưng cửa ngoài mở, gọi mãi chẳng thấy ai thưa. Bấm chuông thì chuông hỏng. Kêu bà hàng xóm tới, gọi thật to thì mới thấy trong nhà có tiếng mở cửa cái “rầm”. Một người đàn bà gầy ốm, tóc rối bù xù bước ra “có chuyện chi không”. Đó là Diệt tuyệt sư thái! Hôm nay sư thái bệnh, ngủ dậy hơi muộn. Lúc đó đã hơn 10 giờ sáng.
Tôi lại phải chạy về cơ quan vì sư thái hẹn “nói chuyện” tại nhà cô vào lúc chính ngọ, cái giờ mà bụng người đời đã sôi sùng sục lên vì đói. Đúng 12 giờ trưa, quay lại thì sư thái đã tỉnh ngủ nên đem lại một sự vững tâm hơn. Hóa ra sư thái cũng hiền lành, nói chuyện đến cờ, cô vui vẻ hẳn, cười liên tục.

Đường vào “cờ thế giang hồ độ”


Lê Thị Hương sinh năm 1961, đàn bà tuổi con trâu, Tân Sửu. Nghe nói, hồi nhỏ bé Hương nghịch ngợm khác người, ông bố muốn con đằm tính lại nên dạy cho cô chơi cờ tướng. Chẳng ngờ bé Hương lại có năng khiếu bẩm sinh. Khi đã lần lượt vượt qua bố, qua các anh thì tên tuổi Hương cũng đã lẫy lừng cả xóm, đánh đâu thắng đó. Mê cờ, bé Hương bỏ học sớm, vừa phụ giúp gia đình buôn bán vừa kiếm tiền từ đánh cờ độ. Rồi biến cố đã ập đến với Hương khiến đời cô chuyển hẳn sang ngã rẽ khác. Năm 1976, mẹ cô mất. Rồi đến năm 1978, bố Hương qua đời. Hương bỏ hẳn buôn bán, mưu sinh bằng đánh cờ độ. “Đánh độ, lúc thắng, lúc thua. Thua hết tiền lại về buôn bán kiếm tiền đánh tiếp. Cả chục năm trời”, Hương kể. Khi quanh khu vực nhà cô ở đã không còn đối thủ, mình Hương thân gái dặm trường đã dám tìm tới khiêu chiến ở những sòng cờ khác quận. Tiền lận lưng cũng đâu có nhiều, giỏi ra thì được khoảng 1 chỉ vàng vào thời đó. Vừa mưu sinh, vừa mê cờ, bẵng đi một quãng đời thanh xuân tươi đẹp, Hương mới lấy chồng, sinh con...

Câu chuyện chợt đứt mạch khi cậu con trai trông tuấn tú của cô kêu Hương chở đi học sớm. “Hổ mẫu sinh hổ tử”, cậu con duy nhất của Hương năm nay mới đoạt giải nhất cờ vây TP, độ tuổi 7 – 12. “Học mấy tháng được giải”, chợt thấy sư thái vui hơn. Cô nói mình đã không còn sống với chồng từ bốn năm nay. Bây giờ sư thái nuôi con, chở con đi học một mình, thỉnh thoảng mới đưa con về nhà nội thăm bên Gò Vấp.

Quốc tế đại sư

“Diệt tuyệt sư thái” kể: “Thường thì đàn ông thích chơi cờ với nhau hơn, ít khi đánh với nữ”. Cái ưu thế của cô chính là đem lại cho họ sự tò mò khi đánh độ: “Đôi khi, họ muốn đánh thử với mình xem, cách đánh mình thế nào. Cũng có lúc, họ xem thường con gái”.
Một lần, khoảng giữa thập niên 80, Hương có khách bắt độ là một “ông già 80” như người đời vẫn gọi. Ông già cao tuổi nhưng rất mê cờ, tính lại nóng nên hễ thua là chửi, xin khất tiền. Cáp độ với “đứa con gái” là Hương, ông kêu phải chấp 1 xe. Đánh hoài, đánh hoài ổng cũng chẳng thắng nổi “đứa con gái”. Có trận, đánh nhiều ván từ 10 giờ sáng đến 6, 7 giờ chiều vẫn chưa buông bàn. Được cái ông già chỉ mê cờ thôi chứ không máu cờ bạc nên ván nào cũng đánh độ số tiền như nhau, không đánh “đôn”, đánh “bồi” tiền. Có lần, thua nhiều quá, hết sạch tiền rồi nhưng “ông già 80” vẫn bắt Hương đánh tiếp, xin khất mai trả. Nhưng đánh hoài cũng chẳng thắng nổi một “đứa con gái”. Có một lần “nhớ đời” trong quãng thời gian hành hiệp, Hương nói “đến già cũng không dám đi nữa”. Đó là lần cô được ông anh giang hồ dẫn vô đánh cờ độ trong một hẻm lạ. Tin tưởng tài nghệ Hương, ông anh quả quyết: “Đi kiếm tiền, chắc chắn ăn được”. Hai anh em tướng tá ốm yếu mới liều mạng “vào hang bắt cọp”. Đối thủ sức cờ không cao nhưng đòi đánh “đôn”, tiền độ ván sau gấp đôi ván trước. Hương dễ dàng thắng ngay hai ván. Đến lúc này, đối thủ bắt đầu nóng mặt. Trong khi, dân trong hẻm chẳng biết ở đâu bu lại như kiến, chửi thề rần rần bởi tưởng bị gài độ. Bị cả chủ lẫn khách gây sức ép, ván thứ 3 Hương tiếp tục phải đánh “đôn”. Cô buộc phải xin thua rồi đứng dậy, “bận chuyện đi về”. Trả lại hết tiền, qua khỏi hẻm mà trống ngực vẫn đập thình thình vì sợ: “Sợ dân xóm đánh ông anh thôi, họ nghĩ ổng gài độ mình vô đây để lấy tiền người xóm”. Mới biết, bản lĩnh giang hồ cũng như sức cờ của Hương lúc đó đã mạnh như thế nào.
Đến năm 1993, TP bắt đầu có giải cờ nữ, bên Q.4 thấy Hương đánh hay nên kêu vô đội. Tất nhiên là Hương vô đối. Rồi cô được diện kiến “ngũ ca” Quách Anh Tú của nhóm Thất Đang, lúc đó làm Chủ tịch Hội cờ TP. Chỉ qua vài nước đi, “ngũ ca” đã phát hiện ngay tài năng đầy hứa hẹn của “con họa mi đá”. Chẳng cần tuyển trạch, ông Tú cất luôn Lê Thị Hương vào đội tuyển TP, năm đó cử đi ngay Bắc Kinh thi tài. Trời chẳng phụ lòng người. Ngay lần đầu tiên bước khỏi thế giới cờ độ giang hồ đến với sân chơi quốc tế, “Diệt tuyệt sư thái” đạt hạng 4 giải vô địch thế giới. Cùng năm đó, cô giành luôn hạng 3 giải Các danh thủ châu Á tại Thái Lan, rồi được phong ngay là Quốc tế đại sư. Từ đó đến năm 2001, Lê Thị Hương đăng đàn, liên tục giành các danh hiệu vô địch trong nước, giải thứ hạng cao cấp quốc tế...

“Nhất sát” Lê Thiên Vị nói rằng những năm gần đây, sức cờ của Diệt tuyệt sư thái đã không còn mạnh như trước. Tương lai, Hương sẽ được bồi dưỡng, quy hoạch làm công tác huấn luyện. Bản thân cô cũng mong muốn làm huấn luyện viên dù cho các sếp vẫn nói “còn đánh được cứ đánh đi”. Vậy là hằng tuần, sư thái vẫn sang bên Q.4 luyện cờ, học hỏi thêm kinh nghiệm với thầy Mai Thanh Minh. Những ngày không học, cô phải lặn lội xuống tận khu người Hoa ở Q.5, Q.6 để đánh độ “dợt cờ”. Tập luyện là chính chứ cáp độ cũng chẳng được bao nhiêu nữa, có ngày chẳng được độ nào, cà phê chán rồi lại về đón con. Khi đồng lương tuyển thủ không đủ sống, hỏi Hương sao không tham gia dạy thêm, cô nói rất thật: “Phụ huynh cũng nhiều người xin dạy cho con họ nhưng trình độ phổ thông mình không cao, không dám nhận”.
Nghe chuyện “Diệt tuyệt sư thái” lừng lẫy một thời, giờ vẫn còn phải đối mặt nỗi lo cơm áo, chợt thấy buồn và tiếc.
Nguyễn Lê Nguyên
Theo báo Thanh Niên
Bạn đang xem bài viết Có tiêu đề : Diệt tuyệt sư thái Lê Thị Hương. Khi coppy bài viết xin ghi rõ Nguồn : https://danhthucotuong.blogspot.com/2015/10/diet-tuyet-su-thai-le-thi-huong.html?m=1. Xin Cảm ơn!