Dương Quan Lân Lập Chí Giang Hồ


MỘT THỜI PHIÊU BẠT CỦA DƯƠNG QUAN LÂN

Lời tác giả Mai Quý Lân: câu chuyện sau đây được viết dựa trên tác phẩm "Dương Quan Lân, kỳ đàn tôn sư" của tác giả Ân Ba (Trung Quốc).

Trong làng cờ Tướng Trung Hoa, có 1 người được tất cả ngợi ca như một vị tôn sư đáng kính, với những trận đánh oanh liệt, những chiến tích hào hùng đã trở thành giai thoại dân gian không thể nào phai nhạt. Người mà bề ngoài dung dị, mộc mạc nhưng lại là tay cờ giang hồ khét tiếng bậc nhất Trung Hoa, đã từng trèo non vượt biển khắp Nam Bắc Đông Tây, đã sống một đời với cờ, vinh quang và thăng trầm cùng nó. Người đó là một bậc đại tôn sư trong giới cờ, công phu ở mức thượng thừa, uyên thâm sâu sắc, đã đạt đến cảnh giới của một "Ma kỳ" đệ nhất. Đó chính là kỳ vương Dương Quan Lân !

Dương Quan Lân từng nói rằng: "Thuở nhỏ tôi là 1 cậu bé không thông minh, do ham mê mà cố học cờ. Sau này khi rời xa quê hương, một mình phiêu bạt, trải nhiều sóng gió mới học hỏi được thêm biết bao điều bổ ích, kỳ nghệ từ đó mà được nâng cao ...".



 

HỒI 1: LẬP CHÍ GIANG HỒ

Dương Quan Lân sinh vào một ngày mùa hạ năm 1925 ở thôn Đường Lịch thuộc trấn Phượng Cương huyện Đông Hoàn (nay là thành phố Đông Hoàn) tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc. Gia đình ông thuộc tầng lớp bần nông khá nghèo. Cha ông vốn là 1 vị tú tài cuối đời nhà Thanh, cũng có am hiểu đôi chút về cờ. Lên 6 tuổi, Dương Quan Lân bắt đầu tỏ ra ham thích bộ môn cờ và thường xuyên theo dõi các cụ già trong thôn đánh cờ vào mỗi buổi chiều cuối ngày. Nhiều người trong đó rất yêu quý Dương bèn dạy cho mà biết. Sau đó lớn thêm mấy tuổi thì bắt đầu biết chơi. Năm Dương Quan Lân lên 13 tuổi thì thôn Đường Lịch bị quân đội Nhật Bản chiếm đóng. Cuộc sống người dân trở nên vô cùng khổ sở, sống chết lúc nào cũng không hay. Năm 14 tuổi ông bị quân Nhật vô cớ bắt và đem ra xử tử, may mà được tha do viên đội trưởng của quân Nhật cho rằng Dương Quan Lân gầy gò yếu đuối không thể là 1 tay du kích gan dạ của Quốc Dân Đảng ! Năm đó cha ông bệnh nặng, gia đình rơi vào túng quẫn, Dương Quan Lân là con trai duy nhất trong nhà nên buộc phải tìm đường sống, ngày ngày phải lo lắng việc tìm kế sinh nhai cho cả gia đình. Tuy nhiên Dương không làm được nên đâm ra cuộc sống càng lúc càng tăm tối. Thế nhưng trong khi bụng đói, mắt mờ thì tâm tư vẫn mơ màng đến dáng Mã hình Xe ! Được vài năm sau, Dương Quan Lân lập chí giang hồ, quyết tâm lấy cờ làm nghiệp, tay trắng mà ra đi.

Thực ra trước khi bước chân vào chốn giang hồ, Dương Quan Lân đã từng đọc qua các cuốn kỳ phổ lừng danh như Quất Trung Bí, Mai Hoa Phổ, đặc biệt là yêu thích sưu tầm các thế cờ giang hồ tàn cục trong dân gian, ngày đêm không quản ngại vất vả mà nghiên cứu, lấy làm tâm đắc lắm. Sau này Dương Quan Lân đã trở thành đệ nhất cao thủ cờ tàn cũng vì rất thành thạo các đòn thế giang hồ này. Khi đã mê cờ người ta có thể quên đi mọi thứ trong chớp mắt. Dương Quan Lân cũng vậy, say mê cờ quá đến độ quên ăn quên ngủ và quên mất mình đang phải vật lộn với cái nghèo cái khổ ra sao. Năm Dương 20 tuổi, có lần nghe tiếng tay cờ Lê Tử Kiện, một trong những nhân vật tiếng tăm của Lưỡng Quảng đang có mặt ở Phượng Cương, Dương Quan Lân mò đến và xin được tỷ thí vài chiêu. Dù lúc này Dương Quan Lân chẳng có tên tuổi gì nhưng do quá mức nhiệt tình, thành khẩn cầu xin mà Lê Tử Kiện buộc lòng phải nhún nhường mà nhận lời giao đấu. Dương rất mừng, nhưng vì còn quá non nớt nên đã nhanh chóng thất bại. Trận đó tuy thua nhưng Dương Quan Lân không hề buồn mà còn thấy khá vui do đã "không thua như mình suy nghĩ".

Năm Dương 21 tuổi (tức năm 1946), có người bạn đi xa về nói với Dương Quan Lân rằng ở Quảng Châu (tức Dương Thành), đất rộng người đông, cao thủ vô số, cuộc sống đúng là lý tưởng cho dân cờ kiếm độ, đó là chốn phồn hoa đô hội của cả vùng Hoa Nam rộng lớn. Dương Quan Lân nghe thấy thích lắm, ngày đêm mơ mộng, cuối cùng thì hoàn toàn bị thuyết phục. Mùa đông năm ấy, Dương Quan Lân bái biệt cao đường, bồi hồi bước những bước chân nặng trĩu rời xa quê hương, đi về một nơi không thể nào biết trước tương lai. Kể từ đây bắt đầu một thời kỳ mới của chàng trai trẻ Dương Quan Lân, người mà sau đó với những cuộc cờ giang hồ nổi tiếng đã trở thành một trong những "Hỗn thế ma vương" đáng sợ nhất của miền Hoa Nam, người mà mười năm sau ngày cất bước rời xa quê nhà đã trở thành bá chủ cờ tướng toàn Trung Hoa !

Hồi 2: NHỮNG NĂM THÁNG ĐẦU TIÊN Ở QUẢNG CHÂU

Sau khi tới Quảng Châu, Dương Quan Lân tá túc tại một khu chợ đông người. Hằng ngày từ lúc sáng sớm cho đến tối mịt, Dương Quan Lân vẫn thường phải đi đến những nơi công cộng gần đó, vừa khám phá cuộc sống nơi này, vừa tìm người đánh cờ kiếm độ. Những lần va chạm nhỏ lẻ trên đường phố đó đã giúp cho Dương Quan Lân kiếm đủ tiền trang trải qua ngày, nhưng quan trọng nhất đối với Dương là nhờ vậy mà ông biết thêm được nhiều thông tin thú vị về các cao thủ Quảng Châu và nơi họ thường xuyên tụ họp. Thuở ấy, trong thành Quảng Châu có 4 nơi dân cờ thường hay hẹn nhau tới chơi và cáp độ, người dân gọi là "Tứ đại tùng lâm" bao gồm Đại Phật Tự, Hoa Lâm Tự, Quang Hiếu Tự và Hải Tràng Tự, trong đó Hải Tràng Tự là chỗ đông vui và náo nhiệt nhất. Dương Quan Lân quyết định sẽ qua nơi đó xem sao.

Phải nói thêm rằng, lúc này thực lực của Dương Quan Lân đã ngày một mạnh lên trông thấy. Từ sau trận thua Lê Tử Kiện, Dương Quan Lân đâm ra càng ham mê hơn, lao vào nghiên cứu cờ Tướng rất nhiều. Công lực cuối cùng đã tăng lên đáng kể. Khi mới bước chân vào chốn giang hồ, Dương Quan Lân dù chưa biết mình đang đứng ở đâu nhưng cũng cảm thấy đủ tự tin vào sức cờ của mình. Do đó khi mới tới Hải Tràng Tự, thấy cao thủ nhiều vô số, người chơi cờ xúm xít vây quanh, lòng không khỏi tấp tểnh mừng thầm. Dương quyết định ở lại đó luôn.

Ban đầu chỉ là đi xem xét, ngó nghiêng trong sới cờ để quan sát lực cờ ở đây. Về sau Dương cũng phải ngồi vào tỷ thí mấy ván cờ độ nhỏ bởi dân Quảng Châu ở đây đã không mê cờ thì thôi, nhưng đã mê rồi thì dù là khách lạ cũng cố kéo vào trong chơi vài ván giao lưu bằng được. Tất nhiên "nhập gia tùy tục", Dương Quan Lân không thể từ chối vì trong tâm ý, Dương cũng muốn đánh để thử xem sức mình ra sao. Thấy Dương chơi với tụi vòng ngoài, 1 cao thủ ở Hải Tràng Tự lại gần và mời Dương đánh độ. Hắn kêu sẽ chấp Dương tới song Mã, nhưng nếu hòa phải cho hắn được. Dương nghĩ thầm, mình vừa mới chân ướt chân ráo đến đây, chưa phải lúc đánh những phân độ này nên hòa nhã khước từ. Người kia thấy Dương không đánh lại càng nghĩ Dương kém, cố ra sức mời mọc, người xung quanh cũng muốn Dương đánh nên thúc giục Dương, rốt cục Dương buộc phải vào trận. Tuy nhiên chỉ một lúc kẻ chấp kia đã nhanh chóng thất bại bởi hắn không biết rằng, Dương Quan Lân đã từng nghiên cứu kỳ thư rất kỹ. Những ván cờ nhượng tiên, chấp Mã và chấp song Mã, Dương đã xem qua và không thể nào mà dính bẫy được. Sau này Dương Quan Lân nói rằng: "Nhượng song Mã bí quyết hơn thua ở chỗ được tam tiên, lên Pháo tuần hà, ra Xe rất nhanh, có uy lực khá lớn, nếu đối thủ non nớt sẽ có nhiều cơ hội chiến thắng. Nhưng vì đã đọc kỳ thư, trong cuộc đó tôi lấy Sĩ Tượng thủ thành, hào sâu lũy cao dần dần đối phương mất đi cái thế hùng hổ ban đầu mà thất bại".

Dương trả lại tiền cho người kia và hỏi danh tính. Người đó đáp "Mãnh Kê". Dương lấy làm ngạc nhiên, muốn được cùng kết bạn, cùng đàm luận thêm về cờ, xem ra có vẻ hợp nhau. Bấy giờ Dương Quan Lân mới đem chuyện mình rời bỏ quê nhà lên đây kiếm sống, nhờ mong bằng hữu giúp đỡ cho. Người kia biết Dương kỳ nghệ bất phàm, đồng ý nhận lời, giới thiệu Dương vào hội nhóm kỳ đàn của anh ta. Bắt đầu từ đây, Dương Quan Lân càng có nhiều cơ hội đi sâu sục sạo hơn nữa về đời sống dân cờ của Quảng Châu. Khi đã có người bạn kết giao dẫn đường, Dương Quan Lân không còn phải e ngại nhiều và sẵn sàng đi khắp nơi đánh độ. Chỉ trong vòng có một thời gian ngắn, Dương Quan Lân với sức cờ hùng tài ẩn chứa đã đánh độ thắng được rất nhiều, lúc đầu còn được người ta chấp sau đó thì phân tiên, cuối cùng Dương lại đi chấp ngược, dân Quảng Châu trong Hải Tràng Tự bắt đầu chú ý tới Dương và tỏ ra kiêng dè tay cờ lạ hoắc này.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, Dương Quan Lân đã trở thành 1 tay cờ có thứ hạng của đất cờ Quảng Châu nhưng kèm theo đó, các cuộc cờ độ đã cuốn ông vào vòng xoáy của trò đỏ đen khiến nhiều lúc Dương đã xao lãng chuyện học cờ. Lực cờ của ông vẫn chưa đạt tầm danh thủ của Quảng Châu. May mà do có sẵn căn cơ bền vững cộng thêm tính ham học, chịu khó mà kỳ nghệ của ông không bị mai một. Sau này khi nhận ra mặt trái của việc chấp độ quá nhiều, Dương mới tu tỉnh tập luyện lại như trước. Nhờ thắng độ khá nhiều mà Dương Quan Lân cũng đã phần nào nhẹ gánh và bớt âu lo hơn về cuộc sống. Tháng ngày đầu tiên chơi cờ ở Quảng Châu, Dương Quan Lân còn là 1 chàng trai trẻ non nớt tuổi đời và kinh nghiệm sống, trải qua bao lần giao chiến vật lộn với bàn cờ mà ông đã khắc phục được điểm yếu của sự nông nổi bồng bột, dần dần trở nên trầm tĩnh và bản lĩnh hơn nhiều. Những lúc trên bàn cờ, Dương Quan Lân đã tự lĩnh hội được rất nhiều ý tưởng mới về cách bố cục, đêm đến ở nhà trọ, một mình mở bàn cờ ra đúc kết, về sau với những kinh nghiệm quý báu đó Dương đã viết thành sách để lại cho đời. Đông qua Xuân tới, thấm thoắt đã được mấy năm, lúc này Dương Quan Lân đã 23 tuổi đầu.

Hồi 3: ĐẤU CỜ VỚI LƯ THIÊN VƯƠNG

Dương Quan Lân ở Quảng Châu được 2 năm, mải miết đánh cờ, rong ruổi khắp nơi nên kỳ nghệ cũng đã ngày một tiến. Sau khi kết bạn với Lương Châm (người tự xưng là Mãnh Kê), Dương mới có thêm nhiều cơ hội thử tài với các cao thủ danh tiếng khác trong các cuộc cờ độ thâu đêm suốt sáng. Sau những lần đó, Lương Châm càng thêm khâm phục họ Dương và khen Dương có cốt cách của 1 tay cờ quái kiệt. Lương nói rằng nếu Dương chú trọng nâng cao trình độ và bớt ăn thua đỏ đen, chắc chắn sau này sẽ có thể vang danh. Dương Quan Lân hồi mới tới Quảng Châu may mà gặp được Lương Châm, được người này tận tình giúp đỡ, chỉ dẫn đường đi nước bước mới có đôi chút thành tựu, nay lại thấy bằng hữu rất mực chân thành khuyên răn như vậy nên lấy làm cảm kích lắm, hứa sẽ chuyên tâm bồi đắp cho kỳ nghệ của mình càng thêm tuyệt đỉnh. Lúc bấy giờ tuy Dương đã có chút tên tuổi trong thành nhưng để trở thành 1 cao thủ vào loại hàng đầu, thuộc hàng "danh thơm muôn dặm" ở Quảng Châu này thì Dương Quan Lân vẫn chưa có một thành tích gì đáng kể, đáng để gọi là xuất chúng. Dương hỏi Lương Châm nên làm thế nào, Lương suy nghĩ hồi lâu mới nhìn thẳng vào Dương mà nói rằng: "Thượng đài đánh bại Lư Thiên Vương".

Lư Thiên Vương mà Lương Châm nhắc đến chính là Lư Huy, vốn người Khê Hạp tỉnh Hà Nam, là con trai của danh thủ Lư Quyền. Nhà họ Lư từ lâu vốn nổi danh với tài nghệ đánh cờ, đến đời Lư Quyền thì được gọi là một trong "Hà Nam ngũ hổ tướng" với sở trường là thế trận Ngũ Thất Pháo rất lợi hại. Lư Huy cùng em trai mình được cha dạy dỗ từ nhỏ, lại có năng khiếu trời cho nên cũng sớm có được tiếng tăm rất lớn. Giới nhân sĩ giang hồ gọi đó là "Khê Hạp Tam Lư". Sau này khi đến Quảng Châu, tài nghệ của Lư Huy rất cao đã làm cho dân cờ ở đây rất nể phục, xếp ông vào hàng "Tứ đại thiên vương" tức 4 người chơi cờ giỏi nhất miền Hoa Nam Trung Quốc. 4 người đó bao gồm Hoàng Tùng Hiên, Phùng Kính Như, Lý Khánh Toàn và Lư Huy. Dương Quan Lân nghĩ thầm Lư Thiên Vương chắc chắn kỳ nghệ tuyệt luân, bản thân Dương không thiếu tự tin nhưng giờ chưa phải lúc xuất chiến. Nếu thua thì nhuệ khí tắt hẳn liệu còn đủ sức đứng lên ? Dương Quan Lân không dám nhận lời với Lương Châm. Lương Châm dò xét thái độ của Dương biết Dương e ngại liền kéo Dương tìm đến một người. Người này là vị tiểu thương mà Lương quen biết. Dương nghĩ Lương kéo mình đi đánh độ nhưng cuối cùng hóa ra là đi uống trà. Trong tiệc trà, Lương và người kia nói cười rất vui vẻ. Khi biết Dương có thể đấu cờ với Lư Thiên Vương, người đó đã rất đỗi ngạc nhiên và tỏ ra mừng rỡ, sau đó hết lời khuyên Dương nên thượng đài. Ông này sẵn sàng đứng ra tài trợ kinh phí cho Dương và hứa sẽ thưởng lớn nếu Dương chiến thắng. Bấy giờ Dương mới phần nào yên tâm.

Cuối cùng theo sắp xếp của bạn bè, trận công đài đó cũng đã được diễn ra vào một ngày đầu năm 1949 với sự chứng kiến của rất nhiều người. Lư Thiên Vương là đài chủ, nghiêm nghị tọa lạc trên đài. Dương Quan Lân bước lên. Có người phía đằng sau nói vọng lên dõng dạc: "Có Dương Quan Lân ở Phượng Cương xin được thỉnh giáo". Trận đấu như thế đã chuẩn bị được bắt đầu. Theo quy định riêng, cuộc đấu tay đôi này giữ Lư Dương chỉ diễn ra có 2 ván, mỗi bên đi trước một ván. Tính đối kháng 2 ván làm kết quả chung. Ván đầu tiên bốc thăm, Lư Thiên Vương đi trước, ngay lập tức sử dụng Ngũ Thất Pháo - chính là "trấn sơn gia bảo" của nhà họ Lư - để ra oai, đè nén đối thủ. Dương Quan Lân thì bình tĩnh tiến bằng Đơn Đề Mã chính là vũ khí rất lấy làm tâm đắc trong các cuộc cờ độ của ông mang ra mà đối chọi. Lư Huy quả không hổ danh là Thiên Vương, đường cờ đầy sát khí, công pháp linh hoạt, trùng trùng bức nhân. Khởi đầu cho đến khi vào trung cuộc, Lư Thiên Vương sử dụng toàn lực, lao về phía trước, kỳ phong xem ra rất ghê gớm. Tuy nhiên Dương vẫn cố giữ chặt, vất vả hóa giải mọi đợi tấn công mà chưa hề có ý đánh trả. Mãi sau, khi thế trận đã bình ổn, Dương mới tìm cách vượt sông mà phản kích. Lúc này Lư Thiên Vương đã dốc toàn lực, công kích bất thành, đâm ra hoang mang. Thế cờ từ tấn chuyển sang thủ. Đối phương lại quá lỳ lợm khiến ông không khỏi bất an. Sau đi phải nước cờ kém bị Dương dắt Tốt qua sông xác lập ưu thế. Khi này cuộc giao phong đã đến hồi tàn cục. Hai bên quần thảo ác liệt. Thế trận của Dương đang ngày một tươi sáng còn ngược lại Lư Thiên Vương kiệt lực, sức mỏng quay ra đánh hòa. Tuy nhiên, Dương Quan Lân cờ tàn như đã bẩm sinh, sử dụng đòn phép rất nhuần nhuyễn, đảo đi đảo lại đã đưa được Tốt bức dưới chân thành, sau lại đại náo cửu cung khiến Lư Thiên Vương tình hình nguy ngập, cuối cùng vô phương đối phó đành phải nhận thua. Dương Quan Lân tạm thời dẫn trước.

Sang đến ván thứ 2, Dương cầm tiên đi trước. Lư Thiên Vương buộc phải chiến thắng trong khi tâm lý không tốt, vẫn chưa hết dao động, thi triển công phu không còn như ý, đòn phép đều bị đối phương nắm bắt nên về sau thế cờ nhạt nhẽo, cân bằng mà thành hòa. Dương Quan Lân với một thắng một hòa bất ngờ kích bại Lư Thiên Vương, người hâm mộ vì thế hoan hô liệt nhiệt. Sau trận Lư Thiên Vương vui vẻ bắt tay Dương và khen Dương có công lực thâm hậu, công thủ kiêm toàn. Lư Huy còn nhân đó nói với quần chúng hâm mộ rằng "Tôi và Dương tiên sinh thi thố, tiên sinh quả không phải tầm thường, tính toán chính xác, vận tử linh hoạt, biến hóa đa đoan, đúng là 1 đối thủ rất mạnh. Chắc chắn trong tương lai không xa sẽ là 1 cao thủ lừng lẫy". Dương Quan Lân tuy thắng được Lư Thiên Vương, rất lấy làm mừng nhưng không hề tỏ ra kiêu ngạo, vẫn rất nể trọng họ Lư. Sau này chính Dương đã tự tìm đến Lư Huy xin được chỉ giáo và kết bạn thân tình với đệ tử của Lư Huy là Lý Chí Hải. Về sau cả hai đều trở thành những tên tuổi lừng lẫy của cờ tướng Trung Hoa.

Riêng về người bạn Lương Châm, Dương Quan Lân rất lấy làm cảm tạ, trước vì có mối nhân duyên mà được chấp song Mã rồi thành bằng hữu thâm giao nên về sau khi viết báo, có đôi lúc Dương Quan Lân còn lấy bút danh cho mình là "Song Mã Khách" để nhắc lại một giai thoại đáng nhớ này. Lương Châm về sau còn được Dương Quan Lân mời về làm cộng tác cho mình khi Dương trở thành chủ soái của Quảng Châu kỳ đàn, quản lý công tác cờ Tướng nơi đây, nhằm báo đáp lại cái ơn "Tri ngộ chi tình" của họ Lương kia. Sau cuộc công đài nổi tiếng đó, khi đã bất ngờ chiến thắng hạ được một trong "Tứ Đại Thiên Vương" của đất cờ Quảng Đông là Lư Huy, lần đầu tiên danh tiếng của Dương Quan Lân bay xa khắp thành, được cả miền Hoa Nam nhớ tên. Kể từ đây Dương Quan Lân chính thức bước vào hàng ngũ những nhân vật kiệt xuất nhất của kỳ đàn Hoa Nam và bắt đầu bước đi trên con đường bôn tẩu, chinh Nam chiến Bắc "tranh bá đoạt vương" của đời mình.

Hồi 4: HÙNG XƯNG HƯƠNG CẢNG

"Thanh xuân tráng niên trạm mã lộ

Bạch phát lão đầu tọa mã lộ

Mã lộ tức thị kỳ thủ gia

Mã lộ tức thị kỳ thủ mộ ..."

Danh gia một thời của Trung Hoa kỳ nghệ là Tạ Hiệp Tốn đã từng cảm thán mà nói như thế khi bày tỏ quan điểm của mình về cuộc sống vất vả, lang thang của các tay giang hồ kỳ thủ. Dương Quan Lân sau khi thành danh ở Quảng Châu, khí thế dâng cao, muốn đem tài nghệ của mình đi đến khắp nơi đánh cờ, kết bạn. Giang hồ lại bắt đầu nổi sóng từ đây. Lúc này ở thành Quảng Châu sau khi Dương Quan Lân thượng đài đánh thắng Lư Thiên Vương, Dương bỗng nhiên trở nên nổi tiếng và được xếp vào hàng cao thủ của Hoa Nam. Ngày ngày, ngoài việc chơi cờ kiếm độ ra, Dương Quan Lân vẫn thường hay lui tới nhà họ Lư để xin chỉ giáo thêm, ở đây Dương đã kết tình huynh đệ thâm giao với Lý Chí Hải người cũng trạc tuổi như Dương. Lý Chí Hải sinh năm 1926, vốn người Tân Hội tỉnh Quảng Đông theo học cờ Lư Thiên Vương được mấy năm, kỳ nghệ đã đạt mức cao siêu, khó đoán. Xét về trình độ Lư Huy vẫn đánh giá Dương hơn Lý một chút. Mùa thu năm 1949, Dương Quan Lân và Lý Chí Hải hùng tâm nổi dậy, đã rời Quảng Châu trên cùng một chiếc thuyền, giương buồm no gió tiến thẳng về Hương Cảng (Hongkong).

Sang đến Hương Cảng, Dương Quan Lân và Lý Chí Hải tất nhiên không thể thoát khỏi cuộc sống giang hồ, kiếm độ. Hai người trở thành 1 cặp ăn ý, vì là nơi đất khách quê người nên 2 người bọn họ luôn luôn sát cánh cùng nhau, đi lại, ăn ở cũng cùng nhau luôn. Từ cuối thế kỷ 19, Hương Cảng đã là thương cảng sầm uất, cuộc sống phồn hoa và náo nhiệt chẳng kém gì các đô thành có tiếng trong lục địa. Dân Hoa kiều ở Hương Cảng cũng rất mê cờ và máu mê đánh độ chẳng kém gì ở Quảng Châu. Lúc này Dương Quan Lân và Lý Chí Hải trình độ ngay tại Quảng Châu, đất cờ của Hoa Nam đã thuộc hàng cao thủ nên việc họ liên tiếp đả bại rất nhiều tay cờ có thứ hạng ở Hương Cảng này chẳng phải là điều gì to tát lắm. Tiếng tăm của họ khi mới sang Hương Cảng thì ít người biết đến nhưng chỉ vài tháng sau thì Dương Lý đã nổi như cồn. Giới cờ Hương Cảng đều truyền tai nhau về 2 cao thủ trẻ mới đến từ lục địa và đều tỏ ra ngán ngẩm về công lực thượng thừa của 2 tay cờ lạ hoắc này.

Chuyện đến tai Đổng Văn Uyên, 1 tay cờ giang hồ đáng sợ, 1 quái kiệt của cờ tướng Trung Hoa. Đổng Văn Uyên vốn người Hàng Châu tỉnh Chiết Giang, từ nhỏ đã nổi danh là thần đồng, có lối đánh rất táo bạo và đầy gan góc, từng mở miệng thách đấu với cả "Thất tỉnh Kỳ vương" Chu Đức Dụ và đã hạ họ Chu với tỷ số cách biệt. Danh tiếng từ đấy vang xa khắp thiên hạ. Khi Đổng sang Hương Cảng nhất thân tuyệt nghệ, đánh đâu thắng đó thế như chẻ tre, và nghiễm nhiên đã trở thành vua cờ ở nơi này. Môn đồ theo học dưới trướng họ Đổng vì thế rất đông. Khi Dương Quan Lân và Lý Chí Hải sang Hương Cảng, Đổng Văn Uyên đang là đài chủ bất khả chiến bại ở đây. Học trò của Đổng Văn Uyên đã từng xem Dương, Lý trổ tài và nói lại cho Đổng Văn Uyên biết. Đổng chỉ cười suông chứ chẳng nói câu gì. Trong mắt họ Đổng, những tay cờ giang hồ trẻ măng đó chỉ là hàng vô danh tiểu tốt, không có gì phải đáng ngại !

Dương Quan Lân thăm dò cũng biết sơ sơ qua về Đổng Văn Uyên. Dương Quan Lân muốn trổ tài cho Đổng biết tay mới âm thầm lên đài để đấu cờ với họ Đổng, nhưng vì trình độ của Đổng Văn Uyên quá mức cao siêu, nằm ngoài dự đoán của Dương nên kết quả Dương thua Đổng thắng. Một cảm giác đau khổ dằn vặt xuất hiện, Dương ngậm ngùi rời đài, lòng buồn man mác. Đang không biết làm gì thì bỗng nhiên Dương chợt thấy trong chỗ đông người đến xem trận đó có bóng một người quen quen. Vừa thấy người đó, Dương Quan Lân như trút bỏ hết ưu sầu, lòng vui trở lại, vội vã chạy đến gần người kia và cất tiếng hỏi thăm đầy kính trọng: "Phùng tiên sinh, dạo này vẫn khỏe chứ ? Vãn bối xin được chào người". Người kia quay lại, thái độ e ngại, chỉ khum tay lấy lễ chứ không nói gì. Dương vội cúi đầu đáp lễ, mỉm cười và xúm xít quanh người đó. Người đó chính là danh thủ Phùng Kính Như, 1 trong "Tứ Đại Thiên Vương" của Quảng Đông, có danh vọng rất cao trong làng cờ Hoa Nam. Phùng Kính Như nổi tiếng là cao thủ khiêm nhường, có lối chơi cẩn mật, thận trọng và tế nhị, ông là một trong những nhân vật có tài nghệ kinh hồn, rất giỏi sử dụng thế trận "Đơn Đề Mã", là thế trận mà Dương rất thích thú và coi như pháp bảo kiếm độ của mình. Thời trai trẻ, Phùng Kinh Như kỳ nghệ siêu phàm, tuy ít tham gia cờ độ nhưng được giới cờ Hoa Nam rất mực nể phục, xếp ông vào hàng các đại cao thủ đương thời. Năm 1930, tại cuộc "Tượng kỳ Đông Nam đại chiến" ở Hương Cảng có mời 4 tay cờ giỏi nhất đại lục tham gia là Tạ Hiệp Tốn, Lâm Dịch Tiên, Chu Đức Dụ và Phùng Kinh Như cùng tranh tài. Dân cờ Hương Cảng đã rất mến mộ họ Phùng. Sau này Phùng Kinh Như thường xuyên qua lại lục địa và Hương Cảng luôn. Khi còn ở Quảng Châu, đã có lần Dương Quan Lân thấy Phùng Kinh Như đàm đạo, sau này lại được Lư Huy nói thêm về danh thủ này khiến Dương rất khâm phục. Dù chỉ là có duyên mà gặp trong thoáng chốc nhưng với Dương Quan Lân cuộc gặp gỡ này đã làm thay đổi rất nhiều về tư tưởng cờ Tướng của mình.

Sau cuộc hội kiến Phùng Kinh Như đó, Dương Quan Lân như tỉnh cơn say, mới bàn với Lý Chí Hải rằng họ sẽ ở lại Hương Cảng thêm một thời gian nữa, tham gia và trở thành hội viên chính thức của Hương Cảng Tượng Kỳ Hội (tiền thân của Hội nghiên cứu cờ Tướng Trung Quốc). Mục đích chính của hội là quảng bá và phát triển phong trào cờ Tướng nơi đây thông qua các mục cờ trên báo và mở ra các giải cờ thường xuyên cho người hâm mộ. Từ đó Dương Quan Lân và Lý Chí Hải từ chỗ chỉ là tay cờ giang hồ đã trở thành những nhà chuyên môn về cờ, tham gia viết bài và tổ chức các hoạt động về cờ của Hương Cảng một cách công khai và chính thức.

Giải vô địch cờ Tướng Hương Cảng lần đầu tiên do chính hiệp hội này tổ chức giành cho tất cả thành viên của hội đã được diễn ra vào đầu năm 1950. Kết quả cuối cùng, Dương Quan Lân oanh liệt giành ngôi vị Quán quân, còn Lý Chí Hải cũng đoạt được ngôi vị Á quân. Từ đấy tên tuổi của 2 người càng được giới cờ Hương Cảng biết đến và mến mộ. Dương Quan Lân và Lý Chí Hải từ chỗ người sơ bỗng trở thành người thân của giới cờ Hương Cảng. Từ sau khi đạt thành tích cao tại giải hiệp hội lần đầu tiên đó, Dương Lý đã được nhiều quan chức và hào phú ở Hương Cảng chú ý và tìm đến để làm quen nhưng không phải ai Dương Lý cũng đều có cảm tình. Có những người chỉ vì ham danh muốn bỏ tiền mua chuộc, muốn Dương đánh cờ với họ và nhượng danh cho nhưng Dương đã thẳng thừng từ chối. Chính vì vậy, Dương Lý rất được lòng thành viên trong hội.

Có một câu chuyện kể rằng, vào năm 1950, danh kỳ Thượng Hải là Hà Thuận An đi giang hồ qua Hương Cảng chơi nhưng bị mất hết tiền bạc, lại chẳng có huynh đệ thân thiết. Bất đắc dĩ phải tìm đến đồng hương mong tìm cách trở về Thượng Hải. Những người đồng hương với Hà Thuận An rất thông cảm, muốn cho Hà Thuận An thượng đài đấu cờ với Đổng Văn Uyên để lấy tiền làm lộ phí, nhưng vì Đổng Văn Uyên nhất quyết từ chối nên họ Hà buộc phải tìm đến Hiệp hội cờ Tướng Hương Cảng, nơi Dương Quan Lân và Lý Chí Hải đang làm để tìm sự giúp đỡ. Dương Quan Lân nhất động tâm can hiệp nghĩa, mới mời Hà Thuận An lưu lại chỗ mình, sau đó lấy danh nghĩa là quán quân Hương Cảng dựng nên chuyện thách đấu với Hà Thuận An. Người hâm mộ nghe thấy phấn khích kéo đến rất đông. Nhờ thế hiệp hội thu được một khoản phí kha khá. Dương liền đem cho họ Hà luôn để làm lộ phí đi đường. Hà Thuận An cảm kích, từ biệt Dương Quan Lân hẹn ngày tái ngộ. Khi Hà đi rồi, Dương mới ngoảnh lại nói với bạn bè trong hội rằng: "Dịch sĩ tuy hàn, kỳ hành cao nhã". Bạn bè của Dương đều gật đầu tỏ ra thông cảm và đồng ý với cách làm của Dương. Sau đó ai nấy đều vui vẻ.

Hồi 5: LẦN ĐẦU ĐẾN THƯỢNG HẢI

Tháng 10 năm 1949, nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa được thành lập, bắt đầu từ đây một thời đại phát triển mới cho cả dân tộc Trung Hoa nói chung và cho sự phát triển của bộ môn cờ Tướng nói riêng. Lại nói về Dương Quan Lân lúc này tuy họ Dương đã có danh phận khá lớn trong giới cờ Hương Cảng, nhưng trong sâu thẳm cõi lòng, Dương lúc nào cũng mong ngóng được trở về Quảng Châu, nơi đầy ắp những kỷ niệm vui buồn trong đời cờ chinh chiến của mình. Một ngày tháng 5, mùa hạ năm 1950, Dương Quan Lân theo thuyền lớn xuôi về Quảng Châu sau hơn 1 năm trời xa cách.

Quảng Châu từ ngày Dương ra đi đến giờ vẫn vậy, vẫn nổi tiếng là nơi tụ tập của rất nhiều tao nhân mặc khách khắp Lưỡng Quảng, đã thế cái cảnh đông vui náo nhiệt của dân cờ năm xưa vẫn chẳng hề mất đi, vẫn còn đó hầu hết các tay cờ giỏi nhất vùng Hoa Nam mà Dương đã từng chạm trán. Thời bấy giờ ngoài cái tên Dương Thành, dân chúng Trung Quốc còn gọi Quảng Châu là "Tượng kỳ thành", đủ biết cờ Tướng được mến mộ như thế nào ở nơi đây. Nhắc đến Quảng Châu là phải nhắc đến những "Tứ Đại Thiên Vương", "Việt Đông Tam Phụng", "Ngũ Hổ Tướng", "Thập Bát La Hán", "Thông Thiên Giáo Chủ", "Hanh Cáp Nhị Tướng", "Tô Gia Tứ Tướng", "Thập Tam Thái Bảo", "Ngũ Thử" hoặc "Ngự Miêu". Tất cả bọn họ đều là các bậc anh tài xuất chúng, những cuộc tranh đấu khốc liệt giữa họ khiến cho đời sống cờ Tướng ở Quảng Châu trở nên vô cùng sôi động và náo nhiệt. Có vị nhân sĩ đi qua Quảng Châu chứng kiến cảnh đó đã từng viết lên 2 câu thơ rằng: "Ngọa hổ tàng long chi địa, Kỳ vương bối xuất chi bang". Dương Quan Lân ở Quảng Châu tiếng tăm lừng lẫy, kỳ nghệ giờ đã là hàng đại cao thủ, công lực uyên thâm khó đoán, lại khét tiếng khắp chốn giang hồ cờ độ nên được gọi với biệt danh là "Hỗn thế Ma Vương", sau chỉ còn lấy có 2 từ ngắn gọn là "Ma Kỳ".

Cuối tháng 8 năm 1951, nhân có sự kiện khai trương tuyến đường sắt đầu tiên nối liền Quảng Châu và Thượng Hải với nhau nên tổng hội cờ Tướng Thượng Hải có gửi thư mời các cao thủ của Quảng Châu xuống Thượng Hải tham gia thi đấu giao lưu cờ Tướng giữa 2 miền Hoa Nam và Hoa Đông Trung Quốc. Đoàn đại biểu của Hoa Nam có 2 người đi là "Hỗn thế Ma Vương" Dương Quan Lân và "Hoa Nam Thần Long" Trần Tùng Thuận (học trò của "Tiên Kỳ" Chung Trân, và cũng là 1 danh thủ khét tiếng). Xuống đến Thượng Hải, Dương Quan Lân và Trần Tùng Thuận không khỏi bỡ ngỡ trước cảnh sắc huy hoàng ở đây. Hai người tạm thời trú chân tại một khu trọ nhỏ gần trung tâm thành phố. Được độ một, hai ngày thì có đoàn đại biểu của tổng hội cờ Tướng Thượng Hải đến đón. Sau khi được bố trí chỗ ăn ngủ đàng hoàng, họ đưa ra hình thức thi đấu giao hữu sắp tới. Đó là Hoa Nam, Hoa Đông sẽ đại chiến trong 16 ván. Hoa Đông cử 2 tay cờ là Hà Thuận An và Chu Kiếm Thu ra ứng chiến. Phía Hoa Nam sẽ là Dương Quan Lân và Trần Tùng Thuận. Mỗi bên giao đấu với một người trong đội kia trong 4 ván. Kết quả cuối cùng sau 16 ván cờ làm kết quả chung. Sau gần nửa tháng trời thi đấu, cuối cùng cuộc đại chiến Đông Nam đó đã kết thúc. Về phần mình Dương Quan Lân thủ hòa cả 4 trận với Hà Thuận An, và thắng lớn trước Chu Kiếm Thu với kết quả 3 thắng, 1 hòa. Người đồng đội Trần Tùng Thuận cũng không hề tỏ ra thua kém là bao khi thi đấu 8 ván thì 2 thắng, 5 hòa, 1 thua. Tổng kết lại đội Hoa Nam với chiến tích 5 thắng, 10 hòa, 1 thua giành thắng lợi thuyết phục trước đội cờ Hoa Đông khiến cho giới cờ ở Quảng Châu khi nghe được tin này đều cảm thấy vui vẻ và rất lấy làm tự hào.

Sau khi cuộc thi đấu kết thúc, Dương Trần lưu lại Thượng Hải chơi mấy ngày rồi chuẩn bị sắp xếp hành lý ra về, đương khi ra ga thì bị một người giữ lại. Người này dáng nhỏ bé, mái tóc hoa râm độ chừng đã quá ngũ tuần, chính là danh thủ lão làng Đậu Quốc Trụ vốn rất nổi danh ở Dương Châu, là người cùng thời với các cao thủ lừng lẫy thiên hạ như Chu Đức Dụ và Trương Cẩm Vinh. Dân cờ ở Duơng Châu xếp Đậu Quốc Trụ vào hàng "Dương Châu Tam Kiếm Khách". Đậu lão tiên sinh sau đến Thượng Hải hùng tài thao lược cũng trở thành một người rất mực nổi danh, lời nói rất có trọng lượng trong giới cờ ở đây. Sau khi Đậu Quốc Trụ được chứng kiến tài nghệ siêu quần của Dương, Trần trong cuộc hội chiến Đông Nam đó đã nhất mực muốn giữ cả 2 cao thủ trẻ đất Việt này lưu lại bến Thượng Hải chơi với ông thêm một thời gian nữa và phải đồng ý tham gia đả phá kỳ đài ở đây. Hai người chỉ cười và xin được ở lại thêm ít bữa chứ nhất mực từ chối việc tham gia thi đấu lôi đài.

Bến Thượng Hải không chỉ nổi danh là một thương cảng sầm uất vào loại bậc nhất thời bấy giờ, mà hàng năm cứ vào độ tiết thu là các cao thủ cờ Tướng khắp vùng Hoa Đông lại đến đây tụ họp và tham gia biểu diễn đả phá lôi đài. Đa phần giữ đài là Hà Thuận An, Chu Kiếm Thu và có cả quái kiệt Đổng Văn Uyên cũng từng đến đây tham chiến. Chính vì họ là 3 người có kỳ nghệ giỏi nhất Hoa Đông nên giới cờ vẫn thường gọi chung là "Hoa Đông Tam Hổ". Cuối năm 1950, đã có một sự kiện lớn xảy ra ở Thượng Hải khi danh thủ hàng đầu là Hà Thuận An đã bị Trần Vinh Đường, 1 trong "Thập đại cao thủ" của Thượng Hải đánh bại với kết quả 1 thắng, 1 hòa khiến cho cuộc đấu vào mùa thu năm 1951 hứa hẹn rất nhiều điều hấp dẫn. Theo thông lệ hằng năm ở Thượng Hải, lôi đài kỳ thủ sẽ chia ra làm 3 hạng là Giáp thủ, Ất thủ và Bính thủ. Nếu người nào đăng ký công đài sẽ tùy BTC xét vào dạng nào mà đóng lệ phí. Nếu là Giáp thủ phải đóng 12 vạn nguyên (bây giờ là 12 NDT), Ất thủ đóng 8 vạn nguyên và Bính thủ chỉ đóng có 5 vạn nguyên. Người giữ đài ở các hạng trên cũng là các tay cờ có trình độ tương ứng. Đậu lão tiên sinh tha thiết mời cả Trần Tùng Thuận và Dương Quan Lân thượng đài nhưng Trần xin kiếu nên Dương vì nể mặt họ Đậu buộc lòng phải xuất chinh. Tiến lên đài Dương Quan Lân tất nhiên được xét vào hàng Giáp thủ nên phải gặp Trần Vinh Đường.

Trần Vinh Đường cũng là 1 tay cờ khá nổi tiếng, dáng người cao ráo, khôi ngô tuấn tú, kỳ phong trung dũng thiên về tấn công, lúc này lại đáng có phong độ đỉnh cao nên ở Thượng Hải dường như chẳng sợ một ai, nhân sĩ Thượng Hải xếp Trần vào hàng "Thập đại cao thủ". Thấy Dương Quan Lân lên đài dáng người nhỏ bé, khiêm nhường, tuy Trần Vinh Đường đã biết tiếng họ Dương khi vừa cùng Trần Tùng Thuận đánh bại cả song Hổ của Hoa Đông nhưng trong lòng chưa hề cảm thấy tín phục, muốn được so tài với Dương. Hai bên thỏa thuận đấu trong 14 ván cờ nhanh. Kết quả Trần Vinh Đường thảm bại với 6 hòa, 8 thua, từ đó Trần phục Dương lắm. Dương Quan Lân sau khi hạ được Trần Vinh Đường được thưởng khá hậu, sau đó lại được ngồi vào ngôi đài chủ của kỳ đài. Quần chúng hâm mộ vì thế rất mực hoan hô Dương. Ban tổ chức tiếp tục kêu gọi: "Có vị cao thủ nào muốn lên thượng đài đấu với Dương tiên sinh không ?". Phía dưới không có tiếng trả lời. Mãi đến lần mời gọi thứ 3 mới có người lên tiếng: "Xin được mạn phép". Mọi người ngơ ngác nhìn lại, hóa ra không phải ai khác chính là Đậu Quốc Trụ, người đã dẫn Dương Quan Lân tới kỳ đài này. Dương Quan Lân trong tình huống dở khóc dở cười này không biết làm gì hơn đành phải nhận lời thách đấu. Đậu lão vì muốn đấu với Dương Quan Lân nên mới nghĩ ra trò này, quả thật đúng là "gừng càng già càng cay". Hai người thỏa thuận thi đấu trong 4 ván chậm. Người hâm mộ đến xem, ai cũng hiểu Đậu lão tuổi đã già sức yếu khó lòng mà đánh bại được một Dương đang còn thanh niên tráng kiện nên rất e ngại cho ông. Tuy nhiên đối diện với 1 tay kiếm khách lừng lẫy năm xưa, Dương Quan Lân biết không thể nào chủ quan cho được, liền đem hết sức mình vào cuộc tỷ thí. Trải qua nhiều giờ giao tranh, kết quả Dương Quan Lân thắng Đậu Quốc Trụ với tỷ số 2 thắng, 2 hòa. Lúc bấy giờ Đậu Quốc Trụ có vẻ như đã rất hài lòng và nể phục Dương, mới nói với những người hâm mộ rằng "Lớp hậu sinh giờ đây quả thật rất phi thường". Có người kể rằng khi Dương rời kỳ đài trở về nhà Đậu Quốc Trụ chơi, 2 người còn giao đấu thêm 7 ván cờ vui nữa đến tận đêm khuya, kết quả vẫn là Dương thắng Đậu thua tỷ số là 4 thắng, 3 hòa. Đậu Quốc Trụ bấy giờ mới có thể yên tâm cho rằng :"Dương Quan Lân mới thực là hàng tuấn kiệt, sau này chắc chắn họ Dương kia sẽ xưng hùng dịch lâm, vang danh thiên hạ".

Sau đó Dương Quan Lân còn ở lại Thượng Hải thêm một thời gian nữa và vẫn tham gia giữ kỳ đài. Từ khi có Dương đả phá lôi đài hạ được Trần Vinh Đường cho đến lúc Dương rời Thượng Hải trở về Quảng Châu, tổng cộng hơn 20 lần ngồi vững vàng trên ngôi vị đài chủ đó, giới cờ Thượng Hải vốn đã náo nhiệt nay lại càng náo nhiệt hơn nữa, gần như tất cả các cao thủ ở đây trong lòng đều rất sục sôi, muốn được thượng đài để đấu cờ với Dương Quan Lân. Tuy nhiên không một ai trong số bọn họ có thể hạ nổi một "Ma Kỳ" đang độ sung mãn. Từ đấy trở đi Dương Quan Lân nổi tiếng khắp Thượng Hải chẳng kém gì khi còn đánh độ ở Quảng Châu. Rồi cứ thế, hằng năm cứ khi vào độ tiết thu, đất trời êm ả, cảnh sắc vạn vật thanh bình, Dương Quan Lân lại đáp tàu từ Quảng Châu xuống Thượng Hải tham gia thi đấu lôi đài, giao lưu và kết bạn.

Hồi 6: SÓNG GIÓ GIANG HỒ

Mùa xuân năm 1952, có người mê cờ từ Hương Cảng trở về nói rằng đã nhìn thấy quái kiệt Đổng Văn Uyên hiện cũng đang xuất hiện đâu đó trên bến Thượng Hải này. Thông tin đó được lan truyền đi rất nhanh. Trong mắt giới hâm mộ Tượng kỳ, Đổng Văn Uyên chiếm một vị trí rất trang trọng. Nếu như bỏ qua những tai tiếng mà chỉ xét nền tảng công phu nội lực, Đổng Văn Uyên xứng đáng là tay cờ cự phách nhất của cả miền Hoa Đông trong thời bấy giờ. Họ Đổng đánh đông dẹp bắc oanh oanh liệt liệt, nhưng nhìn chung lại chẳng có chút danh vọng chính thống nào, tên tuổi của ông chủ yếu gắn liền với những trận cờ giang hồ nức tiếng. Giới cờ giang hồ khi nghe đến 3 chữ "Đổng Văn Uyên" thì như sấm nổ bên tai, quả thật đều muôn phần cảm thấy khiếp sợ.

Đổng Văn Uyên đang yên vị ở Hương Cảng thì được học trò thông báo về cuộc đại chiến Hoa Đông - Hoa Nam tháng 9 năm 1951 và sau đó là những trận công đài bách thắng của Dương Quan Lân. Khi nghe đến đó, hùng tâm của 1 kiếm khách lẫy lừng Hoa Đông lại nổi dậy, Đổng Văn Uyên lập tức lặng lẽ rời bỏ Hương Cảng không kèn không trống, trở về lục địa. Sau đó là việc giấu kỹ hành tung, mài sắc lưỡi kiếm chờ dịp thượng đài để đả phá Dương Quan Lân. Lúc này ở Thượng Hải thì 2 vị cao thủ hàng đầu là Hà Thuận An và Chu Kiếm Thu mà Đổng Văn Uyên biết khá rõ vẫn đang là 2 người nắm giữ những ngôi soái chủ, tuy nhiên khi cả 2 tiếp chiến với Dương Quan Lân thì kẻ hòa người bại đã khiến giới cờ Hoa Đông đều cảm thấy rất choáng váng. Cho nên khi nghe tin Đổng Văn Uyên hiện đang có mặt ở Thượng Hải, nhiều người trong số họ đã nung nấu ý định bỏ tiền mời Đổng thượng đài thi đấu cùng Dương Quan Lân. Họ dự kiến cuộc đấu Đổng Dương sẽ diễn ra vào mùa thu năm ấy, khi Dương lên Thượng Hải chơi. Tuy nhiên mọi thứ lại diễn ra sớm hơn dự định khá nhiều.

Không biết do vô tình thế nào mà ngay sau khi Đổng về Thượng Hải được ít bữa, người ta lại thấy Dương Quan Lân xuất hiện. Do có việc hẹn với một người bạn thân, Dương Quan Lân đáp tàu từ Quảng Châu đến Thượng Hải chơi. Ai ngờ lại có dịp tái ngộ ngay với Đổng Văn Uyên, người mà năm xưa đã từng hạ Dương trong lần đánh kỳ đài ở Hương Cảng. Kể từ khi cùng Trần Tùng Thuận đại chiến Đông Nam đắc thắng trở về, và nhất là từ sau mấy vụ thi đấu lôi đài thành công cuối năm, tiếng tăm của Dương đã nổi như cồn, giới cờ Thượng Hải đều rất nể phục Dương. Khi Dương Quan Lân vừa mới bước chân xuống Thượng Hải, chưa kịp hay biết gì thì ngay lập tức đã được người ta đến đón và rước đi, sau đó họ sắp xếp luôn cuộc gặp với Đổng Văn Uyên tại 1 tửu lầu và ra phân độ. Tất nhiên cuộc gặp gỡ đỉnh cao này đâu chỉ là cuộc so kiếm thông thường mà phía sau đó lại là màn bài bạc rất rầm rộ của các tay mối lái. Nhiều người đổ tiền cho Đổng Văn Uyên, còn số khác cũng không ít nghiêng về phía tay cờ trẻ là Dương Quan Lân. Hai bên bàn qua tính lại và đi đến thỏa thuận sẽ thi đấu công khai trong 6 ván. Kết quả cuối cùng sẽ tính cả 6 ván cộng lại. Dương Quan Lân buộc phải nhận lời vì trong thâm tâm Dương cũng rất muốn tái chiến và phục thù họ Đổng. Rốt cục chỉ sau đó có 1 tuần, vào khoảng trung tuần tháng 3, Dương Quan Lân đã thượng đài để đấu với Đổng Văn Uyên. Kết quả sau 3 ngày giao tranh ác liệt, Dương Quan Lân tiếp tục bại dưới tay "Độc Phiến Khách" với tỷ số 1 thắng, 3 hòa, 2 thua. Giới cờ Thượng Hải được tin thì vui mừng ra mặt và tung hô Đổng Văn Uyên hết lời. Dương Quan Lân chẳng nói câu gì trầm tĩnh bước chân ra về. Đổng Văn Uyên thấy vậy vừa cười vừa nói "Dương tiên sinh, mấy năm không gặp, kỳ nghệ xem chừng đã tiến bộ khá nhiều". Dương Quan Lân quay lại, nhìn thẳng vào Đổng Văn Uyên, đôi mắt ánh lên vẻ nghiêm nghị và quả quyết nói rằng: "Tài nghệ của các hạ thật phi thường nhưng thời gian còn dài, hẹn sau này tái ngộ".

Tháng 8 năm 1952, Dương Quan Lân lại từ Quảng Châu tới Thượng Hải. Mục đích chuyến đi xa này không ngoài việc khác là được đọ kiếm rửa thù, nhưng thay vì đấu với Đổng Văn Uyên, Dương lại được giới cờ ở đây sắp xếp cho đấu trước với danh thủ Tạ Tiểu Nhiên - một trong "Kinh Đô Tam Bảo Phật" của đất cờ phương Bắc - tại giải đấu gọi là "Nam Bắc hội sư". Kết quả Dương Tạ bất phân thắng bại sau 4 ván cờ khi có cùng 1 thắng, 2 hòa và 1 thua. Tạ Tiểu Nhiên vì thấy Dương tài nghệ tuyệt luân, tính tình khiêm nhường dễ mến nên dù tuổi cao hơn Dương khá nhiều nhưng rất sẵn lòng kết giao huynh đệ. Dương Quan Lân do đã 2 lần bại dưới tay họ Đổng nên quyết tâm phục thù cho bằng được, ngày đêm luyện tập, lại chẳng quản đường xa đi đến các nơi trong thành Quảng Châu hỏi han các cao nhân làng cờ về những biến hóa phức tạp mới. Sau khi đã tạm thời hài lòng mới trở lại Thượng Hải, quyết chí đả phá Đổng Văn Uyên. Gặp gỡ Tạ Tiểu Nhiên, Dương Quan Lân rất lấy làm mừng. Dương thổ lộ ý định sẽ hạ bệ Đổng Văn Uyên tại kỳ lôi đài tiếp theo. Tạ Tiểu Nhiên bàn rằng hãy để ông ra tay đánh trước xem sức cờ của họ Đổng hiện giờ ra sao, sau đó Dương Quan Lân mới nhảy vào.

Đầu tháng 9 năm 1952, Tạ Tiểu Nhiên diễu võ dương oai khiêu khích Đổng Văn Uyên thượng đài. Tất nhiên đối với 1 đại ma đầu như là họ Đổng chẳng đời nào lại không dám tiếp chiến mặc cho đối thủ là ai đi nữa. Tạ Tiểu Nhiên đề nghị chỉ đánh 1 ván duy nhất. Đổng nhận lời. Kết quả Tạ Tiểu Nhiên đưa được trận đấu về thế giằng co rất mất thời gian, sau đó thì bức hòa được với Đổng Văn Uyên. Đổng Văn Uyên vẫn tiếp tục giữ ngôi đài chủ. Bấy giờ Dương Quan Lân mới công khai lên đài tiếp tục khiêu chiến. Đổng Văn Uyên dù vừa bị Tạ Tiểu Nhiên quần cho tơi tả nhưng vẫn phải nhận lời. Dương Quan Lân cũng chỉ đề nghị đánh 1 ván duy nhất. Đổng chấp nhận. Lúc này khí thế hùng hổ của Đổng Văn Uyên đã giảm đi rất nhiều. Dương Quan Lân tài nghệ chẳng kém bao nhiêu, hiên ngang đem các đòn công phu mới dày công nghiên cứu ra thi triển. Sau vài giờ thì hạ được Đổng Văn Uyên, giành ngôi đài chủ. Đổng Văn Uyên thua trận cảm thấy rất khó chịu, sau lại được biết do Tạ Dương liên thủ nên rất ấm ức, muốn nhảy lên công đài luôn nhưng do luật quy định chưa đến lượt nên buộc phải cay đắng ra về. Dương Quan Lân hạ được Đổng Văn Uyên, trong lòng không khỏi mừng rỡ, ngay đêm đó đã say sưa quên cả trời đất với Tạ Tiểu Nhiên. Dương Quan Lân nói rằng trận cờ hôm nay có thể khẳng định sức cờ của Đổng Văn Uyên đã không còn đệ nhất như xưa nên không còn đáng ngại. Tạ Tiểu Nhiên đồng ý và hồ hởi cho rằng từ nay Dương Quan Lân sẽ chẳng phải sợ ai, nhưng cảnh báo họ Dương rằng giới cờ Thượng Hải sẽ không dễ dàng bỏ qua chuyện này. Dương Quan Lân chỉ cười, nâng chén liên tục mà chẳng đả động đến chuyện cờ nữa. Hai người bạn say sưa đến nửa đêm thì trở về nhà trọ.

Y như lời Tạ Tiểu Nhiên dự đoán, ngay sáng ngày hôm sau. khi Dương Quan Lân vừa thức dậy đã có người của hội cờ Thượng Hải đến đón Dương đi. Dương Quan Lân được chở đến 1 căn nhà lớn gần khu vực tổng hội cờ Tướng Thượng Hải đóng quân. Ở đó đã có mặt tất cả các tay hảo hán trong giới cờ đồng thời cả những nhân vật hào phú nổi tiếng ở đây nhưng không hề thấy Đổng Văn Uyên, Hà Thuận An và Chu Kiếm Thu đâu. Dương cảm thấy dường như có chuyện chẳng lành. Dương sợ việc Dương và Tạ Tiểu Nhiên liên thủ hạ được Đổng Văn Uyên làm dân cờ ở đây nổi giận. Tuy nhiên điều lo sợ đó đã nhanh chóng qua đi khi người tổng trưởng hội cờ Thượng Hải đứng lên phát biểu, đại ý chúc mừng Dương Quan Lân. Ông này đưa ra đề nghị Dương tiếp tục giữ đài, nhưng kể từ giờ mỗi trận đấu kỳ đài sẽ không khống chế mức thưởng và mức phí tham gia nữa. Đài chủ có thể nhận lời thách đấu hoặc có quyền từ chối với bất kỳ tay cờ nào dám lên. Nếu thắng thì đài chủ nhận hết, nếu thua phải mất một phần số tiền mà đối phương đã đề nghị. Dương Quan Lân nghe đến đó thừa hiểu họ muốn làm khó mình, bởi Dương cũng chẳng có tiền bạc gì nhiều, thắng thì không sao nhưng nếu nhỡ thua vừa mất danh vừa mất cả tiền nữa. Dương dù sao cũng là người nơi khác đến, số vốn đem theo chẳng thấm tháp gì, vận hạn mà đến thì biết dựa vào đâu. Dương suy nghĩ hồi lâu chưa dám đưa ra quyết định, bèn xin được về nhà suy nghĩ thêm. Tổng hội cờ Thượng Hải đồng ý cho Dương 3 ngày để ra quyết định.

Trở về nhà trọ, Dương Quan Lân đem chuyện này bàn với Tạ Tiểu Nhiên. Tạ Tiểu Nhiên nói rằng như thế chẳng khác nào dồn người ta vào chỗ chết, thật là thâm hiểm. Tạ Tiểu Nhiên hỏi Dương có đủ tự tin giữ đài hay không? Dương đáp: "Có thể yên tâm". Tạ liền nói với Dương rằng hãy cứ nhận lời đi, còn chuyện tiền nong chống lưng cho Dương, Tạ Tiểu Nhiên sẽ nhờ bạn bè lo hộ. Quan hệ của họ Tạ rất lớn, nên việc tìm hào phú mê cờ ở Bắc Kinh - hay như ngay cả ở Thượng Hải - để ủng hộ cho Dương Quan Lân yên tâm thi đấu sẽ không hẳn là 1 vấn đề quá khó, nhất là khi trình độ và danh tiếng của Dương Quan Lân đã được khẳng định. Tạ Tiểu Nhiên sau lần đấu cờ với Dương Quan Lân đã có ý muốn Dương sẽ xưng hùng dịch lâm, nên khi biết Dương có phần tự tin xuất chiến thì Tạ không hề do dự mà nhận lời giúp ngay. Dương Quan Lân hết lời cảm ơn họ Tạ và hứa sẽ ở lại Thượng Hải giữ đài cho đến cuối năm. Chưa cần đến hạn phải trả lời, Dương Quan Lân gửi thư phúc đáo xin được tùy ý tổng hội quyết định, Dương sẽ theo đó mà hành xử. Ngay lập tức, tín hiệu đã được phát đi. Mấy ngày sau, tổng hội cờ Tướng Thượng Hải hội họp và nhanh chóng đưa ra quyết định, cho người hỏa tốc ngày đêm, tản đi khắp nơi, cầm thư tay đến tận 3 tỉnh kế cận là Chiết Giang, Giang Tô và Hồ Bắc gửi cho các lộ anh hùng, mời họ gặp mặt ở Thương Hải để chuẩn bị bàn kế liên minh thượng đài đấu cờ với Dương Quan Lân. Sóng lớn giang hồ từ đó bắt đầu cuộn chảy !

Hồi 7: KIẾM BẠT HOA ĐÔNG

Sau khi Dương Quan Lân nhận lời làm đài chủ theo điều lệ mới, Tổng hội cờ tướng Thượng Hải ngay lập tức phát thư đi các tỉnh lân cận mời các lộ anh hùng đến họp bàn kế phá địch.Tháng 9 năm 1952, gần như tất cả các cao thủ trứ danh trong làng cờ Hoa Đông đều tề tựu đông đủ ở Thượng Hải, trong số đó đáng kể nhất là La Thiên Dương đến từ Hồ Bắc và Lâm Dịch Tiên đến từ Chiết Giang. Ngoài ra, các cao thủ được mời còn có Đổng Văn Uyên, Chu Kiếm Thu, Hà Thuận An, Trần Vinh Đường, Tống Nghĩa Sơn và Chu Uyển Nguyên - đều là các nhân vật tiếng tăm trong giới cờ Thượng Hải. Cuộc họp kín giữa nhóm kỳ thủ lừng danh này được tổ chức tại trụ sở của Tổng hội cờ Thượng Hải - dưới sự giúp sức về tiền bạc của rất nhiều thương nhân máu mặt ở đây - nhằm đi đến quyết định xem ai sẽ là người ra thi đấu đầu tiên với Dương Quan Lân.

Do La Thiên Dương rút lui nên Thượng Hải muốn Lâm Dịch Tiên lão sư xuất chiến. Lâm Dịch Tiên không rõ đối thủ ra sao, không muốn mất đi thanh danh vốn có liền nhất mực từ chối, rốt cục chỉ còn lại các cao thủ Thượng Hải là nóng lòng lên đài ngay. Đang khi bàn qua tính lại chưa xong thì danh thủ Chu Kiếm Thu đứng lên xin được thi đấu. Nguyên do là vì trước đó họ Chu đã thua Dương Quan Lân trong cuộc đại chiến Đông Nam tháng 9 năm trước nên trong lòng chưa phục, rất muốn nhân cơ hội này mà so kiếm rửa thù nên rất hăng hái lãnh trách nhiệm làm tiên phong. Đổng Văn Uyên im lặng không có ý kiến gì, điều đó đồng nghĩa với việc Chu Kiếm Thu sẽ là người lĩnh ấn mở màn cuộc quyết đấu.

Chu Kiếm Thu vốn người Dương Châu, nổi danh từ những năm đầu thập kỷ 40, là 1 cao thủ chính tông, am hiểu tất cả các đòn thế tàn cục và phép đánh chính tắc trong khai cục xưa. Chu Kiếm Thu diện mạo thanh tú, dáng người nho nhã, lại rất thích ngao du bốn phương, thường hay ghé qua các tỉnh Tây Nam Trung Quốc đánh cờ kết bạn, cờ cao nức tiếng, hành vi đườngg hoàng nên được nhiều bằng hữu nể trọng. Dân cờ vùng này gọi Chu Kiếm Thu là "Trường Sinh tướng quân". Về sau Chu cũng được người ta xếp vào hàng ngũ tuấn kiệt của Dương Châu, ngang hàng với những cao thủ như Chu Đức Dụ và Trương Cẩm Vinh. Tổng hội cờ Thượng Hải thấy Chu Kiếm Thu đang rất quyết tâm, nên dù trong lòng họ có chút e ngại cho họ Chu không phải là đối thủ của Dương Quan Lân nhưng vẫn cứ để Chu phất cờ khai chiến mở đường mà lên. Một ngày đầu tháng 9 năm 1952, Chu Kiếm Thu thượng đài công khai thách đấu với Dương Quan Lân. Hai bên thỏa thuận đánh trong 12 ván cờ .Chu Kiếm Thu rút kinh nghiệm từ lần thua trước, thi đấu hết sức bền bỉ, tuy nhiên lúc này Dương Quan Lân lại đang sung mãn, đường cờ đầy ma lực, trải qua bao sóng gió tôi luyện mà thành tài nên bản lĩnh không hề kém cỏi. Sau mấy ngày giao tranh ác liệt, Dương Quan Lân đã hạ đo ván Chu Kiếm Thu với tỷ số 5 thắng, 5 hòa, 2 thua khiến cho lá cờ tiên phong của Thượng Hải bị chém đổ, nhuệ khí đang hăng của Thượng Hải cũng vì thế mà mất đi nhanh chóng.

Chu Kiếm Thu rớt đài, lần thứ hai bại dưới tay Dương Quan Lân không biết nói gì hơn ngoài việc vòng tay tỏ ý xin được bái phục. Chu Kiếm Thu xuống đài xong thì một người khác tức tốc nhảy lên. Người này trạc tuổi như Dương Quan Lân, ngũ quan đoan chính, phong thái đĩnh đạc ung dung, chẳng phải ai xa lạ chính là người xếp thứ 2 trong Hoa Đông Tam Hổ đó là Hà Thuận An. Dương Quan Lân thấy Hà Thuận An thì rất mực tôn trọng, làm lễ nghiêm chỉnh. Hà Thuận An chính là tay cờ mà Dương Quan Lân rất mến mộ. Trước đây Hà Thuận An thời còn trẻ đã từng khiến "Thất tỉnh kỳ vương" là Chu Đức Dụ phải choáng váng. Sau này Hà luyện tập và nghiên cứu đối cục của chính Chu Đức Dụ, hấp thụ hết tinh hoa, kỳ phong trở nên mạnh mẽ, vững vàng rồi thành danh lúc nào chẳng biết. Năm 1950, Hà Thuận An ở Hương Cảng gặp phải nghịch cảnh, được Dương Quan Lân tương trợ mà trở về Thượng Hải một cách an toàn, do đó trong thâm tâm Hà Thuận An coi Dương Quan Lân là một người bạn chứ không phải là kẻ cường địch cần phải hạ gục. Nhưng vì Hà Thuận An đang có vai vế lớn trong giới cờ Thượng Hải nên buộc lòng phải thi đấu, dốc sức vì danh dự của cả Hoa Đông. Trước khi thi đấu công đài, Dương Quan Lân đã từng đấu chính thức với Hà Thuận An trong 4 ván, kết quả toàn hòa. Lực cờ của đôi bên là hoàn toàn ngang ngửa, nhưng điểm yếu của Hà Thuận An là sức khỏe không tốt, nếu thi đấu đường dài xem ra có phần không ổn. Do vậy Hà Thuận An đề nghị Dương thi đấu làm 3 hôm, mỗi hôm chỉ đấu đúng 2 ván. Nếu sau cả 3 lần Hà không hạ được Dương thì xin thua. Dương gật đầu nhận lời thách đấu. Giới giang hồ Thượng Hải biết Hà Thuận An thượng đài thì rất tin tưởng, đổ xô đến cổ vũ, kỳ đài trở nên náo nhiệt hơn hẳn. Ngày thứ nhất, rồi ngày thứ hai, Hà Thuận An đều thất thủ trước Dương Quan Lân cùng một tỷ số là 1 hòa, 1 thua. Sang đến ngày thứ 3, Hà Thuận An tâm lý dao động, thời gian thúc ép ngay ván đầu đi phải nước cờ kém bị Dương Quan Lân túm được tìm đường phản công tích cực sau đại thắng trở về. Sang đến ván thứ 2, Hà Thuận An không còn đường rút buộc phải tấn công, vì mong muốn vội vã chiến thắng, dốc hết nội công, tâm can bị suy nhược nghiêm trọng, quyền cước đã có phần bị mê loạn, Hà Thuận An đi cờ dường như không còn theo ý mình nữa. Dương Quan Lân nhận thấy điều đó liền đề nghị dừng chơi. Giới cờ Thượng Hải thấy tình hình của Hà cảm thấy thương xót, xin Dương Quan Lân cho đấu lại vào ngày mai. Dương Quan Lân lập tức đứng lên bắt tay với đối thủ và tuyên bố bảo lưu kết quả chờ ngày tái đấu. Nhưng cuộc tái đấu đó đã không bao giờ diễn ra, bởi Hà Thuận An biết rằng Dương vì muốn giữ danh dự cho mình mới đồng ý ngừng đánh, nên Hà không bao giờ nhắc lại chuyện đấu tiếp nữa.

Sau Hà Thuận An đến lượt cao thủ Chu Uyển Nguyên lên tiếng nhưng cũng nhanh chóng thất bại. Giới cờ Thượng Hải thực sự cảm thấy ớn lạnh trước tài nghệ của Dương Quan Lân. Bất đắc dĩ mọi hy vọng cuối cùng đều phải dồn cả vào đôi vai của quái kiệt Đổng Văn Uyên. Đổng Văn Uyên theo dõi Dương Quan Lân thi triển kiếm pháp, trong lòng đã cảm thấy không hề đơn giản. Cuối cùng vì cả Song Hổ kia không thể làm khó được họ Dương, Đổng Văn Uyên buộc lòng phải xuất chiến. Tâm nguyện của cả Đổng Văn Uyên lẫn Dương Quan Lân mỗi khi gặp nhau đều không nằm ngoài 2 từ "quyết thắng". Cuộc gặp gỡ lần này lại càng khiến cho toàn thể giới cờ nín thở chờ đợi. Ai cũng biết trong quá khứ Dương thua Đổng thắng, nhưng nhìn vào tình hình lúc này việc thành bại là không thể biết trước. Do đó khi cuộc chiến một mất một còn này sắp sửa diễn ra, một bầu không khí căng thẳng đã bao trùm toàn bộ kỳ đài Thượng Hải, bất kỳ ai từ người mới học chơi cho đến danh thủ lão làng đều rất háo hức, chờ đến ngày 2 tay cờ cự phách nhất tuốt kiếm ra khỏi vỏ và cùng lượn bay trong không gian mênh mang huyền ảo của thế giới kỳ nghệ.

Trung tuần tháng 9 năm 1952, cuộc đại chiến Dương Đổng lần thứ 3 diễn ra. Lần này theo sắp xếp của BTC, cả hai sẽ chơi trong 10 ván cờ chậm. Tính đối kháng sau 10 ván làm kết quả chung. Dương Quan Lân với tư cách đài chủ sẽ đấu với đệ nhất Hoa Đông là Đổng Văn Uyên. Phía sau cuộc chiến công khai này còn là cuộc đọ sức ngầm giữa các tay môi giới cờ độ lớn của thành phố Thượng Hải. Dương Quan Lân biết sớm muộn gì việc này cũng phải diễn ra nên chuẩn bị rất kỹ, ngày đêm nghiên cứu phương pháp khai cục đấu lại với kỹ thuật đỉnh cao của Đổng Văn Uyên. Dương cho rằng lối đánh của Đổng rất ghê gớm, biến hóa đa đoan, thiên về công sát, trong trận thường lộ nhiều sơ hở nhưng ngược lại khi đối công rất mãnh liệt, luôn có nhiều cạm bẫy đi kèm. Do đó Dương Quan Lân - với nền tảng cờ tàn rất mạnh - đã suy nghĩ thấu đáo, ngày đêm luyện tập tạo cho mình một lối chơi chắc chắn toàn diện gọi là "Tỏa công pháp", lấy sự an toàn làm chiến thuật chủ đạo, tức là tạo sự kiềm chế quân lực lẫn nhau, tránh đưa đến sự phát sinh đa biến phức tạp của trận hình, tránh đi vào lối đánh đối công sở trường của Đổng. Lối đánh này dễ khiến cho đối phương từ chỗ gặp khó khăn mà dẫn đến sai lầm đủ để Dương khai thác giành thắng lợi.

Quả nhiên cách đánh đó đã khiến Đổng Văn Uyên gặp rắc rối và lúng túng thấy rõ. Đổng càng đánh càng dao động, còn Dương cứ nhẹ nhàng từng bước chậm rãi, không ham tấn công. Khi mới vào trận, Đổng Văn Uyên đầy khí thế hùng hổ xông lên, nhưng Dương luôn tránh các cuộc đối sát mà Đổng ưa thích, nên vào giai đoạn cuối Đổng Văn Uyên luôn thất thế, đến nỗi các ván cuối cùng Đổng phải từ bỏ lối chơi mạnh bạo quen thuộc mà quay ra chơi giằng co, giành sức giữ thế thi triển nội công đến tàn cục với Dương Quan Lân. Tất nhiên điều đó chỉ có lợi cho Dương mà thôi. Ở 2 trận đầu tiên Dương Quan Lân dẫn trước với 1 thắng, 1 hòa. 4 trận tiếp theo Dương tiếp tục ưu thế với 2 thắng, 1 hòa, 1 thua. Bây giờ chỉ còn lại 4 trận. Đổng Văn Uyên biết Dương Quan Lân trình độ không thua mình bao nhiêu, lại bị dẫn trước 2 ván thắng nên đành phải dốc sức mà đánh, kết quả sau 2 ván Đổng giành lại chút hy vọng với 1 thắng, 1 hòa. Lúc này đã là 8 ván, Dương Quan Lân hơn Đổng Văn Uyên đúng 1 ván thắng. Ván thứ 9 Đổng đi trước, quyết trận sinh tử nhưng Dương Quan Lân khôn khéo tránh đi, sau vào trung cuộc chỉ là giằng co, Đổng Văn Uyên cầu biến quên cả nguy hiểm, bỏ quân tấn công dữ dội nhưng Dương Quan Lân tài nghệ hơn người giải được nguy biến, Đổng hết lực bị tập kích nhanh chóng đầu hàng. Ván thứ 10 đánh lấy lệ, Dương Quan Lân tiếp tục chiến thắng. Qua đó Dương Quan Lân trong lần đấu công khai một mình một ngựa quyết chiến sa trường với Đổng Văn Uyên đã đắc thắng ra về với tỷ số 5 thắng, 3 hòa, 2 thua. Chiến thắng này khiến cho Đổng Văn Uyên buộc phải im lặng, và lần đầu tiên người ta không thấy nhân vật khét tiếng này tỏ ra tức giận khi thua. Đổng Văn Uyên chỉ thoáng chút buồn rầu, nói lời chúc mừng đối thủ rồi lặng lẽ từ biệt người hâm mộ. Người hâm mộ Thượng Hải vì thế tỏ ra rất ngạc nhiên, sau đó không hiểu sao đã chuyển từ buồn sang vui, tất cả đều ở lại hoan hô và ủng hộ cho Dương Quan Lân. Vì rằng Dương Quan Lân với nhất thân tuyệt nghệ, dựa vào sức mình đã nhất kiếm trấn đài, đả phá tất cả các lộ anh hùng của Thượng Hải, khiến cho giới cờ Thượng Hải hoàn toàn bị thuyết phục !

Hồi 8: DƯƠNG TRẦN TRANH BÁ

Tương truyền vào thời thượng cổ, 5 vị tiên trên trời trong cơn say ngà ngà đã cưỡi trên 5 con dê tốt đạp mây ngũ sắc đáp xuống trần gian, vì mê cảnh đẹp đã ở lại đó dạo chơi rồi dạy dân chúng biết cách trồng trọt chăn nuôi nên mọi thứ sinh sôi nảy nở, của cải càng lúc càng dồi dào. Về sau nơi này được gọi là Dương Thành, chính là thành Quảng Châu bây giờ. "Ngũ cốc đăng phong, vạn dân lạc nghiệp" - theo dòng thời gian lịch sử, vùng đất Dương Thành ngày càng sung túc và náo nhiệt, quy tụ dân chúng từ khắp nơi quanh thành đổ xô về lập nghiệp và mưu sinh, rồi trở thành trung tâm văn hóa, chính trị và kinh tế của cả vùng Hoa Nam từ lúc nào chẳng biết. Xét riêng về truyền thống và phong trào chơi cờ ở đây thì có thể xem Quảng Châu là náo nhiệt khác thường nên còn có tên khác là "Tượng kỳ thành". Trong dân gian lưu truyền câu nói "Lĩnh Nam cường vương khí, Việt Hải tụ giao long" ám chỉ rằng thời nào ở Hoa Nam rộng lớn này cũng sẽ xuất hiện những bậc kỳ tài, những nhân vật xuất chúng có tài năng thiên bẩm khiến cho cả thiên hạ phải ngưỡng mộ.

Năm 1931, lần đầu tiên Quảng Châu tổ chức giải đấu vô địch cờ Tướng toàn tỉnh Quảng Đông với sự tham gia của 23 tay cờ mạnh nhất thời bấy giờ. Trải qua bao giao tranh ác liệt, 4 người xuất sắc nhất được chọn đã nhất loạt xưng danh lập thành "Tứ Đại Thiên Vương" : Hoàng Tùng Hiên, Lý Khánh Toàn, Phùng Kính Như và Lư Huy. Tháng 7 năm 1935, "Thất Tỉnh Kỳ Vương" Chu Đức Dụ nam hạ Quảng Châu, khiêu chiến với toàn thể giới cờ Hoa Nam khiến giới cờ ở đây không vui vì cho rằng Chu Đức Dụ quá ngạo mạn. Lĩnh Nam kỳ vương đệ nhất là Hoàng Tùng Hiên được quyền xuất chiến dạy cho họ Chu một bài học đáng nhớ. Kết quả Hoàng Tùng Hiên không phụ lòng tin cậy đã kích bại Chu Đức Dụ một cách sít sao. Dân chúng Quảng Châu vui sướng tự phong cho Hoàng Tùng Hiên là "Bát Tỉnh Kỳ Vương". Sau này đại cao thủ Tạ Hiệp Tốn đi qua Quảng Châu chơi đã từng nhận xét ngắn gọn về Hoàng Tùng Hiên như sau: "Tài nghệ đã ở mức như vậy, danh hiệu đệ nhất quốc thủ kia chẳng phải họ Hoàng thì còn là ai nữa ?". Sau đó nổ ra cuộc chiến Trung Nhật, nhân sĩ làng cờ vì thế tản mác. Chiến tranh kết thúc, các lộ anh hùng chẳng ai hẹn trước đã lại tề tựu đông đủ như xưa. Bấy giờ Dương Quan Lân và Trần Tùng Thuận hoa diệp tương đan, đương lúc tuổi thanh xuân phơi phới, khí thế hào hùng lại có thêm kỳ tài thao lược nhất đời, có thể lấn áp hết chư hầu, tuy nhiên chẳng ai chịu ai, chia làm 2 đường, cùng mơ ước trở thành Dương Thành kỳ chủ. Năm 1951, hai người lĩnh ấn lên đường tới Thượng Hải thi đấu tranh hùng, rốt cục mã đáo thành công quay về nức tiếng. Sau lại hợp tác cùng nhau viết ra "Liên Tinh dịch phả" rất được nhiều người mến mộ. Mùa xuân năm 1953, Dương Quan Lân trở về Quảng Châu sau 1 năm trời phong ba sóng gió ở Thượng Hải. Tài nghệ của Dương Quan Lân giờ đã vượt qua khỏi ranh giới của cả 2 miền Đông Nam Trung Quốc, giới cờ ở Thượng Hải vẫn cho Dương Quan Lân là đệ nhất cờ Hoa Nam. Tuy nhiên ở Quảng Châu có nhiều người đã không nghĩ thế, vì thực ra Trần Tùng Thuận và Dương Quan Lân chưa chính thức khai chiến với nhau bao giờ. Trước đây khi mới tới Quảng Châu lập nghiệp, Dương đi đánh độ nhiều nơi đã có lần đã chạm trán Trần nhưng lúc đó sức cờ của Dương Quan Lân chưa đủ tầm nên Trần Tùng Thuận cũng không có nhiều ấn tượng sâu sắc về Dương. Mãi đến khi Dương Quan Lân nổi lên đánh thắng Lư Thiên Vương, tài nghệ càng lúc càng cao, bất ngờ liên tiếp hạ được các danh thủ lẫy lừng khác thì Trần Tùng Thuận mới có phần tỏ ra quan ngại về Dương Quan Lân nhiều hơn.

Trần Tùng Thuận sinh năm 1920, người trấn Đài Sơn nay thuộc thành phố Giang Môn tỉnh Quảng Đông. Năm lên 10 tuổi, Trần Tùng Thuận đã nức tiếng là một thần đồng đặc biệt ở quê nhà, sức cờ có thể ngang ngửa với rất nhiều các cao thủ có tiếng khác của địa phương. Lớn thêm chút nữa thì may mắn được Kỳ du quái hiệp Chung Trân - một tài năng thiên bẩm khét tiếng của Hoa Nam, là người trong nhóm Việt Đông Tam Phụng - thu nhận làm đệ tử đích truyền. Chung Trân là kỳ nhân trên giang hồ, thoắt ẩn thoắt hiện kỳ nghệ ở mức siêu quần bạt chúng. Có lần vua cờ Hoa Nam là Hoàng Tùng Hiên đã từng tiếp kiến và thua trận nên coi Chung Trân có tài nghệ chơi cờ cao hơn hẳn mình. Trần Tùng Thuận theo học Chung Trân thì công lực ngày một tăng tiến, đánh đâu thắng đó kích bại hàng loạt danh thủ hàng đầu, khét tiếng với kỳ nghệ "bát đề đạp tuyết" nên về sau được giới cờ đặt cho biệt danh là "Hoa Nam Thần Long".

Tháng 4 năm 1952, tại Lĩnh Nam Văn Vật cung (tức là công viên văn hóa Quảng Châu bây giờ), hai người Dương Trần lần đầu tiên cùng tham gia 1 giải cờ chính thức dành riêng cho 6 tay cờ mạnh nhất Quảng Châu bao gồm Trần Tùng Thuận, Dương Quan Lân, Lư Huy, Tăng Ích Khiêm, Đàm Kiếm Thu và Viên Thiên Thành. Kết quả Dương Quan Lân vinh đăng bảng chủ. Trần Tùng Thuận xếp thứ 2 nhưng xem ra vẫn không phục, thêm nữa lại có 2 phe hâm mộ họ Dương,họ Trần phân biệt, rầm rộ bàn luận với nhau, chẳng hề chịu nhịn ai mới dẫn đến tranh cãi kịch liệt, cuối cùng nhờ sự dàn xếp của "Lĩnh Nam đệ tam tôn" là lão sư Đàm Kiếm Thu nên mọi thứ mới tạm ổn thỏa. Đàm Kiếm Thu đưa ra lời đề nghị sẽ tổ chức 1 giải đấu kỳ bá của Dương Thành chỉ dành riêng cho 2 người cao nhất là Trần Tùng Thuận và Dương Quan Lân thi đấu tay đôi với nhau, qua đó sẽ chính thức công khai chọn ra nhân vật nào mới là số 1 của cờ tướng Hoa Nam. Tất cả đều rất hưởng ứng và hồi hộp chờ đợi đến ngày trận đấu đó diễn ra.

Tháng 6 năm 1953, cuộc đại chiến Dương Trần lần thứ nhất đã được khai màn. Dương Quan Lân và Trần Tùng Thuận, hai vị cao thủ trẻ nhất nhì của Quảng Châu đã đi đến thỏa thuận về điều lệ thi đấu của giải, qua đó sẽ thi đấu trong 10 ván cờ chậm kéo dài làm nhiều ngày liên tục. Kết quả cuối cùng của trận đấu là tính đối kháng cả 10 ván cộng lại. Đêm thứ nhất, "Hoa Nam Thần Long" Trần Tùng Thuận cầm tiên, khai cuộc hăng hái đóng Pháo đầu tấn công dữ dội. Về sau tập trung uy lực công phá trung lộ. Thế mạnh như nước lớn chảy tràn, dần dà xuyên phá thành lũy của Dương, lợi dụng ưu thế chém Tượng đưa binh mở cổng thành ào tới. Dương Quan Lân không thể chống đỡ đành phải xin thua. Người hâm mộ họ Trần chứng kiến Trần Tùng Thuận chiến thắng đẹp mất lấy làm vui sướng ra mặt, hò hét gây nhiễu loạn cả khu vực khán đài. Trần Tùng Thuận vì xuất chiến thành công thì lấy làm hoan hỉ lắm, đêm đó mở ngay tiệc mừng khao bạn bè rất to.

Sang đến đêm thứ 2, Trần Tùng Thuận cầm quân đen hậu thủ, kiếm pháp phi thường đã từng bước hóa giải mọi thế công sắc bén của Dương Quan Lân, trung cuộc đánh cực hay nhưng về tàn cục đang chiếm ưu thế lại xuất hiện tình huống éo le đi nhầm phải nước kém bị Dương Quan Lân khéo léo tập kích Pháo Mã mà thành thua. Hai bên cân bằng tỷ số. Trần Tùng Thuận đang trên đà thuận lợi chỉ vì xử lý tàn cục ván 2 không tốt đâm ra bị thua ngược, tâm thế vì vậy không yên, tâm lý không tránh khỏi bị dao động. Đến đêm thứ 3, Trần lại đi tiên nhưng do vội vã tấn công bị Dương Quan Lân thủ vững rồi phản kích mạnh mẽ nên thất bại. Đêm thứ 4, Trần Tùng Thuận đi sau tiếp tục bại trận. Phe hâm mộ Trần lấy làm lo lắng. Trần Tùng Thuận do biết mình đã chủ quan khi đánh giá không đúng tiềm lực của đối thủ nên ở ván thứ 5 đánh cẩn trọng đến mức một gợn sóng cũng không xuất hiện mà thành hòa. Đêm thứ 6 rồi đêm thứ 7, Trần Tùng Thuận đã lấy lại được sự cân bằng tâm lý, nay lại phát huy đúng lúc uy lực của Thần Long, đường cờ tự nhiên trở nên khác lạ đã liên hồi công phá thành công kích bại Dương Quan Lân nhờ vậy cân bằng tỷ số. Cuộc quyết chiến càng lúc càng căng thẳng và khó đoán.

Đêm thứ 8, Dương Quan Lân với lợi thế đi trước khởi binh bằng Pháo đầu một cách rất thận trọng, từng bước triển khai tấn công Bình Phong Mã của họ Trần. Từ khai cục đến trung cục cả hai ra sức tranh tiên. Thế trận luôn ở mức cân bằng, không ai tỏ ra có ưu thế vượt trội. Nhưng đến gần tàn do Trần Tùng Thuận nóng lòng cầu thắng mới khí Tốt tranh công tìm đường mà tiến nhưng bất thành nên về sau thành ra hình tàn chỉ có hòa và thua. Lúc này Dương Quan Lân với ưu thế hơn Tốt qua sông, thi triển công phu cờ tàn đầy ma lực dẫn quân ngày đêm vòng vèo, kiên trì nước chảy đá mòn tấn công từ nhiều phía, rốt cục đẩy Trần Tùng Thuận vào thế bại mà phải xin hàng. Dương Quan Lân thắng trận quyết định này đã vượt lên trên đối thủ một bước. Đêm thứ 9, Trần Tùng Thuận không còn gì để mất dốc toàn sức lực tấn công nhưng Dương Quan Lân với tài nghệ phòng thủ thành đồng vách sắt hòa được với Trần, bảo toàn ưu thế. Ván thứ 10 - ván đấu cuối cùng, Dương Quan Lân đi trước và chỉ cần hòa, đã không để tuột thời cơ nhanh chóng đưa về vị hòa khiến Trần dù muốn công phá chẳng tiếc hy sinh cũng không đạt được mục đích, thành ra 2 bên tiếp tục hòa. Tổng kết sau 10 ván cờ, "Ma kỳ" Dương Quan Lân với chiến tích 4 thắng, 3 hòa, 3 thua đã xuất sắc khắc chế được "Hoa Nam Thần Long" Trần Tùng Thuận, qua đó được Đàm Kiếm Thu xướng danh chính thức trở thành Dương Thành kỳ bá, đồng thời xứng đáng đoạt luôn danh hiệu đệ nhất cờ Hoa Nam !

Chuyện sẽ dừng ở đây và chẳng có gì phải bàn cãi thêm nữa nhưng trên thực tế lại không diễn ra suôn sẻ như thế. Phía sau sự bình yên luôn luôn ẩn chứa rất nhiều giông bão. Do phe ủng hộ Trần Tùng Thuận thấy Hoa Nam Thần Long đau lòng thua với tỷ số quá sít sao nên đều cảm thấy ấm ức, tỏ ra bất phục luôn miệng kêu ca phàn nàn khiến cho Dương Quan Lân cũng cảm thấy e ngại. Đàm Kiếm Thu hỏi Dương nên tính thế nào, Dương Quan Lân chỉ im lặng chứ chẳng nói câu gì. Lúc này có người đại diện của phe họ Trần mới đứng lên đề nghị BTC cho tổ chức thêm 1 trận tái đấu nữa. Theo ý họ kết quả hôm nay chỉ đáng hòa (?), nếu Dương Quan Lân đồng ý thì hai bên cao thủ Dương Trần sẽ chính thức thi đấu lại lần thứ 2 và nếu Dương thắng Trần thua, tất cả sẽ đều tín phục danh hiệu vừa có của Dương Quan Lân. Đàm Kiếm Thu quay sang hỏi dò ý của 2 người, Trần Tùng Thuận thì im lặng gật đầu, phía Dương Quan Lân cũng đang im lặng chưa có phản ứng gì nhưng sau đó người ta thấy họ Dương cũng khẽ gật đầu. Vậy là cuối cùng cuộc quyết chiến "Dương Trần tranh bá" lần thứ 2 cũng được bắt đầu. Ngày 2 tháng 2 năm 1954, Dương Quan Lân và Trần Tùng Thuận tái ngộ trong cuộc đấu "Thập cục tái" lần thứ 2 của đời mình. Cuộc quyết đấu sinh tử lần 2 này mang một ý nghĩa quan trọng chẳng kém gì lần đầu tiên diễn ra vào nửa năm trước đó. Không những thế do có thời gian chuẩn bị khá dài nên nó được rất nhiều người quan tâm, có rất nhiều người hâm mộ và cả các cao thủ có tiếng của Hongkong, Macau cũng kéo sang. Các đoàn khác đến từ các huyện thị lân cận cũng đã có mặt từ nhiều hôm trước. Giới tài phiệt và quan chức Quảng Châu cũng không thể bỏ lỡ cơ hội hiếm có này và đã đến dự rất đông. Hai phe ủng hộ Dương Trần cũng nhân cơ hội tốt đó mà tự động tổ chức cáp độ rất lớn với nhau. Nói chung tất cả đều nóng lên trước khi trận đấu bắt đầu. Phải nói thêm rằng tại thời điểm cuộc quyết đấu lần thứ 2 diễn ra, cả Dương Quan Lân lẫn Trần Tùng Thuận đều đang ở phong độ rất cao, hai người liên tiếp giành nhiều chiến tích vẻ vang tại các cuộc đấu tay đôi với các tên tuổi lẫy lừng khác, cho nên tính quyết liệt và hấp dẫn hơn hẳn cuộc đấu đầu tiên.

Đêm thứ nhất, Trần Tùng Thuận đi tiên sử dụng Ngũ Lục Pháo ra oai trước. Dương Quan Lân đỡ lại bằng Bình Phong Mã tiến Tốt 7. Hai bên đi cờ rất nhanh, khai trung cục xử lý chính xác, thế trận rất cân bằng, ổn định. Về sau Dương Quan Lân hơi bị lép vế một chút nhưng cũng đánh hòa được. Sang đến đêm thứ 2, Dương Quan Lân cầm đỏ đi tiên, đánh một ván rất đẹp, đã lấn áp được Trần vào thế khó, chỉ cần đi Binh biên ép Xe khỏi vị là có thể chiến thắng tuy nhiên trong thực chiến như bị quỷ thần sai khiến đi cờ rất mê muội, bình Xe ăn Tốt bị Trần túm lấy sơ hở sử dụng Xe Pháo Tốt, diệu thủ chuyển binh đánh bật trở lại làm Dương sa mày tối mặt mà chịu đầu hàng. Trần Tùng Thuận tạm thời vươn lên dẫn trước. Đêm thứ 3, đến lượt Trần đi tiên, Dương Quan Lân đi hậu và vì do thua ở đêm thứ 2 rồi nên ở trận này Dương phải vận hết công phu cố gắng đánh hòa cho được. Hai bên trải qua giao tranh ác liệt, đánh nhau tơi bời, Trần Tùng Thuận cơ hồ không thể tiến quân mới chấp nhận cho hòa. Đêm thứ 4, Dương lại đi tiên và tiếp tục không thắng. Cơ hội vẫn nghiêng về phía Trần Tùng Thuận. Đêm thứ 5, Trần cố thắng xông lên nhưng Dương lại đỡ được nên hòa. Đêm thứ 6, Dương dốc hết công phu quyết chí chiến thắng để lập lại cân bằng nhưng Trần Tùng Thuận tài năng xuất chúng đâu dễ bị thua, phòng thủ kín mít, kết quả vẫn hòa. Đêm thứ 7, tiếp tục một tỷ số hòa nữa. Đêm thứ 8, Dương Quan Lân vẫn chưa thể công phá được Trần Tùng Thuận nên phải chấp nhận một kết quả hòa. Giờ chỉ còn lại có 2 ván đấu. Đêm thứ 9, Trần Tùng Thuận cầm tiên, Dương Quan Lân lành ít dữ nhiều vì nếu để thua Dương sẽ hết hy vọng thắng Trần, chỉ có hòa hay được mới có hy vọng đoạt ngôi. Vào trận Trần Tùng Thuận đánh rất thận trọng nên Dương Quan Lân dường như không có mấy cửa thắng, rốt cục trải qua tới gần trăm hiệp giao tranh thì hai bên đưa nhau về hình cờ tàn Pháo Mã 2 Tốt Sĩ Tượng bền, cơ hội đánh hòa là rất lớn. Lúc này Dương Quan Lân bắt đầu thi triển tàn kỳ tỏa công từng bước ép chặt Trần Tùng Thuận. Do Trần Tùng Thuận chỉ chủ trương đấu hòa nên rất lo lắng, sau cùng bị Dương đưa Tốt áp thành tạo thế phối hợp ba quân sức mạnh rất lớn nên đành lòng ngậm ngùi nhận thua. Dương Trần cân bằng tỷ số. Tất cả lại quyết định ở ván cờ cuối cùng, ván cờ thứ 10 của giải. Lợi thế từ chỗ ở phía họ Trần bây giờ lại quay sang phía họ Dương vì trong ván quyết định này Dương Quan Lân giành quyền đi trước. Đêm thứ 10, Dương Quan Lân đi tiên bất ngờ sử dụng đòn thế mãnh công là Pháo đầu Mã đội đã gây bất ngờ không nhỏ cho Trần Tùng Thuận, liên tiếp trung cuộc xuất diệu chiêu đẩy Trần Tùng Thuận rơi vào thế bị động. Đánh thêm nhiều hiệp nữa ưu thế càng lúc càng rõ ràng hơn, Trần Tùng Thuận vì căng thẳng nên không thể tìm ra cách đỡ hiệu quả. Dương Quan Lân được đà tiến công đã phát huy tối đa khả năng ép buộc được đối phương tới chỗ bại. Trần Tùng Thuận dù tài cao đến mấy cũng không thể cứu vãn đành phải nhận thua. Kết cục Trần thua Dương thắng. Cuộc đại chiến Dương Trần lần thứ 2 kết thúc với tỷ số vẫn là sít sao. Dương Quan Lân thắng với tổng kết 2 thắng, 7 hòa, 1 thua. Dương Quan Lân đã liên tiếp công khai thi đấu và hạ đo ván Trần Tùng Thuận sau 20 ván cờ đầy bản lĩnh đã làm cho phe ủng hộ họ Trần từ đó mà nhận thua tâm phục khẩu phục, không còn muốn lên tiếng bào chữa cho Trần Tùng Thuận nữa.

 

Bạn đang xem bài viết Có tiêu đề : Dương Quan Lân Lập Chí Giang Hồ. Khi coppy bài viết xin ghi rõ Nguồn : https://danhthucotuong.blogspot.com/2014/01/duong-quan-lan-lap-chi-giang-ho.html?m=1. Xin Cảm ơn!