HỒI 2: NHỮNG NĂM THÁNG ĐẦU TIÊN Ở QUẢNG CHÂU
Ngũ Dương (5 con dê) - biểu tượng của Dương Thành.
Sau khi tới Quảng Châu, Dương Quan Lân tá túc tại một khu chợ
đông người. Hằng ngày từ lúc sáng sớm cho đến tối mịt, Dương Quan Lân vẫn thường
phải đi đến những nơi công cộng gần đó, vừa khám phá cuộc sống nơi này, vừa tìm
người đánh cờ kiếm độ. Những lần va chạm nhỏ lẻ trên đường phố đó đã giúp cho
Dương Quan Lân kiếm đủ tiền trang trải qua ngày, nhưng quan trọng nhất đối với
Dương là nhờ vậy mà ông biết thêm được nhiều thông tin thú vị về các cao thủ Quảng
Châu và nơi họ thường xuyên tụ họp. Thuở ấy, trong thành Quảng Châu có 4 nơi
dân cờ thường hay hẹn nhau tới chơi và cáp độ, người dân gọi là "Tứ đại
tùng lâm" bao gồm Đại Phật Tự, Hoa Lâm Tự, Quang Hiếu Tự và Hải Tràng Tự,
trong đó Hải Tràng Tự là chỗ đông vui và náo nhiệt nhất. Dương Quan Lân quyết định
sẽ qua nơi đó xem sao.
Phải nói thêm rằng, lúc này thực lực của Dương Quan Lân đã ngày một mạnh lên trông thấy. Từ sau trận thua Lê Tử Kiện, Dương Quan Lân đâm ra càng ham mê hơn, lao vào nghiên cứu cờ Tướng rất nhiều. Công lực cuối cùng đã tăng lên đáng kể. Khi mới bước chân vào chốn giang hồ, Dương Quan Lân dù chưa biết mình đang đứng ở đâu nhưng cũng cảm thấy đủ tự tin vào sức cờ của mình. Do đó khi mới tới Hải Tràng Tự, thấy cao thủ nhiều vô số, người chơi cờ xúm xít vây quanh, lòng không khỏi tấp tểnh mừng thầm. Dương quyết định ở lại đó luôn.
Ban đầu chỉ là đi xem xét, ngó nghiêng trong sới cờ để quan sát lực cờ ở đây. Về sau Dương cũng phải ngồi vào tỷ thí mấy ván cờ độ nhỏ bởi dân Quảng Châu ở đây đã không mê cờ thì thôi, nhưng đã mê rồi thì dù là khách lạ cũng cố kéo vào trong chơi vài ván giao lưu bằng được. Tất nhiên "nhập gia tùy tục", Dương Quan Lân không thể từ chối vì trong tâm ý, Dương cũng muốn đánh để thử xem sức mình ra sao. Thấy Dương chơi với tụi vòng ngoài, một cao thủ ở Hải Tràng Tự lại gần và mời Dương đánh độ. Hắn kêu sẽ chấp Dương tới song Mã, nhưng nếu hòa phải cho hắn được. Dương nghĩ thầm, mình vừa mới chân ướt chân ráo đến đây, chưa phải lúc đánh những phân độ này nên hòa nhã khước từ. Người kia thấy Dương không đánh lại càng nghĩ Dương kém, cố ra sức mời mọc, người xung quanh cũng muốn Dương đánh nên thúc giục Dương, rốt cục Dương buộc phải vào trận. Tuy nhiên chỉ một lúc kẻ chấp kia đã nhanh chóng thất bại bởi hắn không biết rằng, Dương Quan Lân đã từng nghiên cứu kỳ thư rất kỹ. Những ván cờ nhượng tiên, chấp Mã và chấp song Mã, Dương đã xem qua và không thể nào mà dính bẫy được. Sau này Dương Quan Lân nói rằng: "Nhượng song Mã bí quyết hơn thua ở chỗ được tam tiên, lên Pháo tuần hà, ra Xe rất nhanh, có uy lực khá lớn, nếu đối thủ non nớt sẽ có nhiều cơ hội chiến thắng. Nhưng vì đã đọc kỳ thư, trong cuộc đó tôi lấy Sĩ Tượng thủ thành, hào sâu lũy cao dần dần đối phương mất đi cái thế hùng hổ ban đầu mà thất bại".
Dương trả lại tiền cho người kia và hỏi danh tính. Người đó đáp "Mãnh Kê". Dương lấy làm ngạc nhiên, muốn được cùng kết bạn, cùng đàm luận thêm về cờ, xem ra có vẻ hợp nhau. Bấy giờ Dương Quan Lân mới đem chuyện mình rời bỏ quê nhà lên đây kiếm sống, nhờ mong bằng hữu giúp đỡ cho. Người kia biết Dương kỳ nghệ bất phàm, đồng ý nhận lời, giới thiệu Dương vào hội nhóm kỳ đàn của anh ta. Bắt đầu từ đây, Dương Quan Lân càng có nhiều cơ hội đi sâu sục sạo hơn nữa về đời sống dân cờ của Quảng Châu. Khi đã có người bạn kết giao dẫn đường, Dương Quan Lân không còn phải e ngại nhiều và sẵn sàng đi khắp nơi đánh độ. Chỉ trong vòng có một thời gian ngắn, Dương Quan Lân với sức cờ hùng tài ẩn chứa đã đánh độ thắng được rất nhiều, lúc đầu còn được người ta chấp sau đó thì phân tiên, cuối cùng Dương lại đi chấp ngược, dân Quảng Châu trong Hải Tràng Tự bắt đầu chú ý tới Dương và tỏ ra kiêng dè tay cờ lạ hoắc này. Thời gian thấm thoát thoi đưa, Dương Quan Lân đã trở thành 1 tay cờ có thứ hạng của đất cờ Quảng Châu nhưng kèm theo đó, các cuộc cờ độ đã cuốn ông vào vòng xoáy của trò đỏ đen khiến nhiều lúc Dương đã xao lãng chuyện học cờ. Lực cờ của ông vẫn chưa đạt tầm danh thủ của Quảng Châu. May mà do có sẵn căn cơ bền vững cộng thêm tính ham học, chịu khó mà kỳ nghệ của ông không bị mai một. Sau này khi nhận ra mặt trái của việc chấp độ quá nhiều, Dương mới tu tỉnh tập luyện lại như trước. Nhờ thắng độ khá nhiều mà Dương Quan Lân cũng đã phần nào nhẹ gánh và bớt âu lo hơn về cuộc sống. Tháng ngày đầu tiên chơi cờ ở Quảng Châu, Dương Quan Lân còn là 1 chàng trai trẻ non nớt tuổi đời và kinh nghiệm sống, trải qua bao lần giao chiến vật lộn với bàn cờ mà ông đã khắc phục được điểm yếu của sự nông nổi bồng bột, dần dần trở nên trầm tĩnh và bản lĩnh hơn nhiều. Những lúc trên bàn cờ, Dương Quan Lân đã tự lĩnh hội được rất nhiều ý tưởng mới về cách bố cục, đêm đến ở nhà trọ, một mình mở bàn cờ ra đúc kết, về sau với những kinh nghiệm quý báu đó Dương đã viết thành sách để lại cho đời. Đông qua Xuân tới, thấm thoắt đã được mấy năm, lúc này Dương Quan Lân đã 23 tuổi đầu.